Xăng dầu giảm giá 1.000đ/lít: Doanh nghiệp vẫn có lãi
(ANTĐ) - Từ 10h hôm qua (27-8), giá bán lẻ xăng, dầu hỏa trong nước tiếp tục giảm 1.000đ/lít, xuống còn lần lượt là 17.000đ/lít và 18.000đ/lít. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào nhận định, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ sẽ giảm theo giá xăng.
Phấn khởi đón nhận tin giảm giá xăng - ảnh: Phú Khánh |
Giá thế giới giảm, sẽ tăng thuế nhập khẩu
Kể từ 14-8 (thời điểm giảm giá xăng, dầu gần nhất với mức giảm 1.000đ/lít) đến nay, giá xăng, dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm từ 1,4% đến 5% tùy chủng loại. Do vậy, Liên Bộ Tài chính-Công thương đã quyết định giảm giá bán lẻ xăng trong nước nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết, với mức giá thế giới dao động trong khoảng từ 115-120 USD/thùng, kinh doanh xăng, dầu hỏa có lãi khoảng từ 2.000-2.400đ/lít. Tuy nhiên, trên thực tế thì mức lãi thấp hơn bởi theo quy định doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông tối thiểu 20 ngày. Do vậy, nguồn bán ra trong tháng 8 có thể được mua với giá trong tháng 7 - thời điểm giá vẫn cao.
Với mức giá mới này, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn có lãi khoảng 1.200-1.400đ/lít. Phần lãi này sẽ để doanh nghiệp bù vào khoản lỗ lớn trong suốt thời gian dài trước đó
(7 tháng đầu năm lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng và năm 2007 lỗ 300 tỷ đồng). “Theo tính toán của chúng tôi, nếu giá thế giới ổn định để hoạt động kinh doanh xăng giữ được biên độ lãi từ 1.200-1.400đ/lít thì phải đến hết năm 2008 mới đủ để bù lỗ cho mặt hàng này” - ông Hào nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, nếu giá thế giới tiếp tục giảm, Liên bộ sẽ xem xét đến việc tăng thuế. Chẳng hạn, giá thế giới dao động trong khoảng dưới 110 USD/thùng thì sẽ xem xét tăng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu từ 0% hiện hành lên 5%. Nếu giá thế giới giảm mạnh hơn sẽ lại tính toán giảm giá bán trong nước.
Nhiều hàng hóa dịch vụ sẽ giảm giá
Trả lời câu hỏi phóng viên Báo ANTĐ, tại sao mức tăng trước đó rất mạnh (tăng 30%) nhưng mức giảm lại “nhẹ nhàng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà giải thích, trong một thời gian dài giá thế giới “leo thang chóng mặt”, Việt Nam vẫn giữ ổn định giá bán lẻ xăng, dầu trong nước.
Do vậy, 7 tháng đầu năm, Chính phủ đã phải bù lỗ tới hơn 14.000 tỷ đồng cho mặt hàng dầu. Đó là chưa kể tiền lỗ do kinh doanh xăng doanh nghiệp phải tự cân đối. Và ở thời điểm tăng giá (21-7), giá dầu thế giới vẫn đứng ở mức cao nên mức tăng phải tới 30% mới tương ứng.
Trong khi đó, mức giảm giá của thị trường thế giới cũng không quá mạnh, thời gian chưa dài nên mức giảm phải từ từ. Mặt khác có nguyên nhân giá trong nước so với giá thế giới có độ trễ khoảng 20 ngày dự trữ như đã giải thích ở trên.
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nhận định, xăng, dầu giảm giá sẽ là một tín hiệu tích cực, kéo nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ giảm theo mà trước hết là dịch vụ vận tải. “Khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp khá “nhanh nhạy” tăng mạnh cước dịch vụ nhưng sau 2 lần mặt hàng nhiên liệu giảm giá mà vẫn không điều chỉnh giá cước là vô lý. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát chặt chẽ vấn đề này” - ông Hào khẳng định.
Hiện lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam vào khoảng 15 triệu tấn mỗi năm và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%. Do vậy, trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB được Bộ Tài chính vừa trình UBTVQH đã đề nghị xem xét đánh thuế 5% với mặt hàng xăng dầu nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm mặt hàng chiến lược này.
Bảo Nguyên