Xác nhận ca bệnh tả đầu tiên năm 2009

(ANTĐ) - Hôm qua, 20-4, TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế chính thức thông báo về trường hợp mắc tiêu chảy cấp dương tính với phảy khuẩn tả đầu tiên trong năm 2009 tại Hà Nội, cũng là trường hợp dương tính với phảy khuẩn tả đầu tiên trong cả nước từ đầu năm 2009 tới nay. Đó là bệnh nhân nam, 51 tuổi, ở thôn Đông, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Xác nhận ca bệnh tả đầu tiên năm 2009

(ANTĐ) - Hôm qua, 20-4, TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế chính thức thông báo về trường hợp mắc tiêu chảy cấp dương tính với phảy khuẩn tả đầu tiên trong năm 2009 tại Hà Nội, cũng là trường hợp dương tính với phảy khuẩn tả đầu tiên trong cả nước từ đầu năm 2009 tới nay. Đó là bệnh nhân nam, 51 tuổi, ở thôn Đông, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tăng cường kiểm tra, xét nghiệm mẫu thực phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè
Tăng cường kiểm tra, xét nghiệm mẫu thực phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè

Bệnh nhân này khởi bệnh ngày 15-4, vào điều trị tại BV E Trung ương ngày 16-4 với các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có màu trắng đục như nước vo gạo. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ngày 18-4 khẳng định, bệnh nhân dương tính với phảy khuẩn tả. Qua điều tra dịch tễ, trước khi khởi bệnh 1 ngày, bệnh nhân có mua thịt chó, mắm tôm, rau sống ngoài chợ về ăn. Hiện tại, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định.

TS. Nga cho biết, ngay sau khi xuất hiện ca tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phảy khuẩn tả nói trên, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội kịp thời triển khai các biện pháp khống chế dịch, đến nay chưa xuất hiện thêm ca mắc mới.

Theo ông Đỗ Lê Huấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, ngay sau khi nhận được thông báo về trường hợp tiêu chảy cấp, trung tâm đã lập tức cử cán bộ xuống nơi bệnh nhân sinh sống, khoanh vùng ổ dịch, khử khuẩn môi trường, không để mầm bệnh lây lan. Cũng theo ông Huấn, ngoài bệnh nhân ở Xuân Đỉnh được xác định dương tính với phảy khuẩn tả, BV E Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho một số ca tiêu chảy cấp nguy hiểm khác trên địa bàn thành phố, song kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân này đều âm tính với phảy khuẩn tả.

Trước sự xuất hiện trở lại của bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội sau 6 tháng, cùng với nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác trong mùa hè này, chiều qua (20-4), UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, đảm bảo ATVSTP phòng chống dịch bệnh mùa hè. Ông Đào Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố Hà Nội nhấn mạnh, hè năm 2009 được dự báo nắng nóng kéo dài, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết... là rất lớn.

Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu: chính quyền các quận, huyện trên địa bàn thành phố phải lập tức kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch SARS, dịch cúm H5N1 trên người; xây dựng kế hoạch phòng chống các dịch bệnh nói trên; tăng cường tuyên truyền về vệ sinh môi trường, đảm bảo VSATTP phòng chống dịch bệnh mùa hè; đặc biệt phải phát động phong trào ra quân tổng vệ sinh môi trường toàn thành phố, duy trì phong trào tổng vệ sinh chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần...

Ngay trong 2 ngày 25 và 26-4 tới, các quận, huyện, TP trực thuộc phối hợp với Công ty Môi trường đô thị, cùng nhân dân trên địa bàn phải lập tức tổ chức ra quân tổng vệ sinh toàn thành phố. Với riêng xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm - nơi có bệnh nhân dương tính với tả, ngoài tổng vệ sinh môi trường, sẽ huy động máy phun CloraminB toàn xã để khử trùng. 

Bên cạnh đó, bắt đầu từ tuần tới, 6 đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP, Vệ sinh môi trường của thành phố cũng sẽ đồng loạt ra quân, tập trung kiểm tra các quán ăn đường phố, bếp ăn tập thể, các quán thịt chó, điểm trồng rau sống, các lò giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tiến hành lấy mẫu nước (cả nước cống, rãnh) tại nhiều điểm để xét nghiệm. Trung tâm Y tế các quận, huyện kiểm tra kho dự trữ thuốc, hóa chất phòng dịch, dự trù kinh phí mua thuốc, hóa chất phòng dịch; các BV thuộc thành phố chuẩn bị các phòng điều trị bệnh nhân, chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động để chủ động đối phó khi có dịch bệnh...

Năm 2008, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 2.484 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, tăng 2,48 lần so với năm 2007, phân bố tại tất cả 29 quận, huyện, không có trường hợp nào tử vong.                   

Tiến Hưng