Xa vời bình đẳng giới

ANTĐ - Dù cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia đã có nhiều nỗ lực, song bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng nam nữ tại nơi làm việc, vẫn là một mục tiêu xa vời.

Xa vời bình đẳng giới ảnh 1Dù chiếm tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động, song phụ nữ đang chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới

Ngày 28-10, tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), WEF đã công bố Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2014, nêu sự quan ngại về việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới tại nơi làm việc. Báo cáo của WEF cho rằng, nếu ai đó muốn bình đẳng giới tại nơi làm việc, sẽ phải chờ đợi một thời gian rất dài nữa.

Theo báo cáo công bố tại diễn đàn quy tụ các vị lãnh đạo quốc gia, chính trị gia, nhà kinh tế và chuyên gia toàn cầu, dù phụ nữ có nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với nam giới trong các lĩnh vực y tế và giáo dục thì cũng phải tới năm 2095 mới đuổi kịp. Đây là khoảng thời gian tương đương một đời người, trong khi y tế và giáo dục vẫn được xem là những lĩnh vực mà phụ nữ có thế mạnh nếu so sánh với nam giới.

Cũng theo WEF, kể từ khi công bố Báo cáo thường niên về khoảng cách giới toàn cầu lần đầu tiên (năm 2006) tới nay, khoảng cách về cơ hội việc làm của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế chỉ được nâng từ 56% lên 60%. Báo cáo năm nay cho rằng, có thể phải mất hơn 80 năm nữa phụ nữ mới có thể san bằng khoảng cách xa vời vợi này.

10 quốc gia đứng đầu thế giới về bình đẳng giới là Iceland, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Nicaragua,  Rwanda, Ireland, Philippines và Bỉ. Đáng chú ý, top 10 thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường là Iceland, Phần Lan, Na Uy, Nicaragua, Thụy Điển, Rwanda, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan và Bangladesh.

Có thể thấy trong hai top 10 trên thì các quốc gia Bắc Âu chiếm ưu thế lớn và đáng ngạc nhiên khi các quốc gia nghèo ở châu Phi và Mỹ Latin như Rwanda và Nicaragua cũng đứng vào hàng ngũ các quốc gia thực hiện bình đẳng giới tốt nhất. Trong khi đó, các nước phát triển như Mỹ,  Nhật Bản… lại vắng bóng trong top 10 đáng tự hào này.

Nhiều năm nay, bình đẳng giới có vai trò quan trọng đối với tiến bộ xã hội và nền kinh tế. Đạt được bình đẳng giới là thách thức then chốt của thế kỷ XXI. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim từng khẳng định, bình đẳng giới có tầm quan trọng sống còn đối với tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia. 

Theo số liệu của WB, phụ nữ hiện chiếm khoảng 40% lực lượng lao động toàn cầu, 43% lực lượng lao động nông nghiệp và hơn 50% tổng số sinh viên đại học thế giới. Phụ nữ hiện đang là chủ của 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu. WB cho rằng, khi phụ nữ có quyền kiểm soát nhiều hơn quỹ của các gia đình cũng như nguồn tài chính nông nghiệp, cơ hội trẻ em sinh ra và lớn lên khỏe mạnh sẽ tăng gấp 20 lần, đồng thời năng suất nông nghiệp tăng ít nhất 17%.

Chính vì thế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới, coi đây là một trong những trọng tâm để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).