Vương quốc Bỉ đang gặp nguy hiểm

(ANTĐ) - Sau 8 năm Thủ tướng Guy Verhofstadt trung hòa được những căng thẳng giữa người Flanders và người nói tiếng Pháp ở Bỉ, mối bất hòa này lại một lần nữa nổi lên, đặt vương quốc Bỉ trước một mối nguy hiểm lớn.

Vương quốc Bỉ đang gặp nguy hiểm

(ANTĐ) - Sau 8 năm Thủ tướng Guy Verhofstadt trung hòa được những căng thẳng giữa người Flanders và người nói tiếng Pháp ở Bỉ, mối bất hòa này lại một lần nữa nổi lên, đặt vương quốc Bỉ trước một mối nguy hiểm lớn.

Ông Yves Leterme, lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và là cựu lãnh đạo vùng Flanders, đã hy vọng thuyết phục được hai đảng của cộng đồng người nói tiếng Pháp trong cuộc thương lượng về sự cần thiết phải củng cố chủ nghĩa liên bang ở Bỉ.

Trong cuộc bầu cử hôm 10/6 vừa qua, ông Leterme đã về đầu ở Flanders (phía Bắc vương quốc Bỉ, địa phận của những người nói tiếng Hà Lan). Ông đã được bầu vì chương trình tranh cử hướng tới việc trao cho Flanders nhiều quyền hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Vì thế, ông đã thừa kế một “công sự phức hợp”: phải thành lập được một liên minh trung hữu, hội tụ những người Dân chủ cơ đốc giáo và những người Tự do, những người nói tiếng Pháp và nói tiếng Hà Lan.

Nhưng căng thẳng đã tăng nhanh chóng mặt, hai đảng nói tiếng Pháp (đảng trung dung CDH và đảng tự do MR) cuối cùng lại phản đối thẳng thừng những đòi hỏi cải cách nhà nước của người Flanders. Đòi hỏi này bao gồm việc “vùng hóa” Bộ luật Đường bộ, “địa phương hóa” một phần chính sách an sinh xã hội và chính sách việc làm, thậm chí cả tư pháp. Đối với các đảng phái của cộng đồng nói tiếng Pháp, chương trình của ông Leterme muốn sự ra đời một hợp bang, hoặc ít nhất là sự chia tách vùng Flanders và xứ Wallonia. Phản đối này đã nhấn chìm chính giới Bỉ vào thế bế tắc.

Quên mất là một người được mang trọng trách thành lập chính phủ Bỉ trước tiên phải là một vị trọng tài, ông Leterme đã muốn áp đặt một chương trình nhằm làm tăng quyền tự chủ cho các vùng. Quá bướng bỉnh, ông đã thất bại.

Để thoát khỏi tình thế này, người Bỉ trông đợi vào một sáng kiến của vị Quốc vương anh minh của mình là Albert II, người đã phải hoãn lại kỳ nghỉ hè ở nước ngoài của mình. Thông cáo của hoàng gia không nói rõ liệu Quốc vương có nhanh chóng chỉ định một “nhà cải cách” mới để thành lập chính phủ hay chính ngài sẽ bắt đầu những cuộc tham vấn chính trị mới.

Sau hai tháng rưỡi khủng hoảng, đến nay, vương quốc Bỉ đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là phải nối lại thương lượng, bằng không người Flanders sẽ phải dùng đến bạo lực. Một số chính trị gia, làm việc cho phe cực hữu từ 15 năm nay vốn rất có ảnh hưởng đến những diễn biến trong vùng, sẽ không còn do dự trong việc đưa ra tuyên bố tự trị cho vùng Flanders.

Hiện tại, dường như khả năng đối thoại được ưu tiên. Đây vốn là truyền thống của Bỉ. Các quan chức của các đảng phái lớn đều biết rằng kế hoạch chia tách sẽ không được đa số dân chúng mong muốn, ngay cả người dân ở Flanders. Hơn nữa, những khó khăn thực tế có thể có nếu giải pháp chia tách được áp dụng sẽ là rất nhiều và sẽ khiến những người ủng hộ sự “ly dị” của Séc và Slovakia phải nghĩ lại.

Trong số các vấn đề được tranh luận sắp tới sẽ có số phận của Brussels, thủ đô của vương quốc, thủ đô của châu Âu…và cũng là thủ phủ của Flanders. Bởi khác với cộng đồng nói tiếng Pháp, Flanders đã coi đây là trung tâm của mình.

Giàu có và có nhiều quyền lực, Flanders liệu có để cho các lực lượng bấy lâu nay muốn ly khai giành được chiến thắng cuối cùng? Sự vắng bóng những lãnh đạo trẻ có khả năng thuyết phục được hai cộng đồng khiến người ta phải đưa ra câu trả lời là có. Nhưng lịch sử hiện đại và tài năng của người Bỉ trong việc tìm ra những giải pháp đặc biệt lại khiến câu trả lời phủ định chiếm ưu thế. Dù thế nào, vương quốc của Albert II cũng vẫn thích một phép thử mang tính quyết định.

Bạch Dương

Theo Le Monde