Vụ thảm sát ở Nhật Bản dưới góc nhìn tâm lý học tội phạm

ANTĐ - Dư luận Nhật Bản chưa hết bàng hoàng bởi vụ giết người hàng loạt xảy ra sáng 26-7 ở một trung tâm khuyết tật tại thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa. Satoshi Uematsu (26 tuổi), một cựu nhân viên điều dưỡng đã đâm chết 19 người tàn tật và làm bị thương 25 người khác trước khi tự thú. Nhiều người tự hỏi, động cơ của thủ phạm là gì và liệu các cuộc tấn công tương tự có thể ngăn chặn được?

Vụ thảm sát ở Nhật Bản dưới góc nhìn tâm lý học tội phạm ảnh 1Satoshi Uematsu được dẫn giải về trụ sở cảnh sát

Tội ác không thể biện minh

Nói về động cơ, công tố viên Toshiro Igari từng chỉ ra 3 lý do chính của tội phạm giết người ở Nhật Bản, đó là: “Koi, Kane và Enkon”. Ở hai yếu tố đầu, Koi là tình yêu, Kane là tiền khá phổ biến nhưng thứ ba Enkon là một từ khá phức tạp chỉ sự oán hận, ghen tị hay một mối thù, cuối cùng sẽ biến mối hận thù sục sôi nào đó thành hành vi bạo lực.

Những vụ giết người hàng loạt gần đây tại Nhật Bản cho thấy dấu hiệu chứng tỏ rằng thủ phạm đã trút nỗi ác cảm, sự bất mãn của mình với xã hội lên các nạn nhân mà đối tượng dễ ra tay nhất. Trong khi Satoshi Uematsu biện minh cho “cơn thịnh nộ” của mình là một hành động “giết người vì lòng thương” bởi tin rằng người khuyết tật nên được chấm dứt những đau khổ của họ. 

Theo báo cáo của cảnh sát và các phương tiện truyền thông, khoảng 2h30 ngày 26-7, Satoshi Uematsu đã tìm đến trung tâm chăm sóc người khuyết tật, dùng búa phá một cửa kính cửa sổ rồi trèo vào bên trong tòa nhà. Đối tượng bắt đầu đâm những người đầu tiên nhìn thấy và khi bị nhân viên trung tâm phát hiện chặn lại, Satoshi Uematsu đã khống chế, trói họ lại.

Từ thời điểm đó, đối tượng đi từng phòng đâm và rạch cổ các nạn nhân. Satoshi Uematsu từng làm việc tại cơ sở này từ năm 2012, cho đến khi bị sa thải tháng 2-2016 vì lý do xăm mình - được coi là một dấu hiệu có liên hệ với “xã hội đen” Yakuza hoặc hành vi chống đối xã hội ở Nhật Bản. 

Toàn bộ cuộc tấn công chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy nửa giờ. Lúc 2h50, trên tài khoản Twitter của mình, Satoshi Uematsu đăng một bức ảnh anh ta mỉm cười và mặc một bộ đồ, với một tin nhắn bằng tiếng Nhật có nội dung: “Thế giới có thể yên bình”, sau đó bằng tiếng Anh: “Nhật Bản xinh đẹp”.

Khoảng 3h sáng, Satoshi Uematsu đã đến Cảnh sát tỉnh Kanagawa Tsukui đầu thú. Uematsu bị bắt về tội cố ý giết người và xâm nhập trái phép. Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này cao thứ hai trong số các vụ giết người hàng loạt do một cá nhân gây ra ở Nhật Bản trong vòng 100 năm qua.

Kinh khủng nhất phải kể đến vụ thảm sát ở ngôi làng nơi thôn quê Kamo xảy ra hồi tháng 5-1938 và động cơ vụ việc gần như giống nhau: Lòng hận thù. Khi đó, Mutsuo Toi, một thanh niên 22 tuổi, do cảm thấy bị mọi người tẩy chay do mắc bệnh lao nên quyết định trả thù.

Một buổi tối, Mutsuo Toi cắt toàn bộ lưới điện trong làng, đeo hai đèn pin vào chiếc mũ bảo hiểm trên đầu, mang theo một khẩu súng ngắn, một thanh kiếm và một chiếc rìu gõ cửa từng nhà và ra tay giết chết 30 người, làm bị thương nặng 3 người khác. Sau đó, Mutsuo Toi tự tử bằng súng. 

Vụ tấn công được lên kế hoạch từ trước

Nhà tâm lý học tội phạm nổi tiếng nhất Nhật Bản, ông Yasuyuki Deguchi, trên Truyền hình Asashi phân tích rằng, có thể Satoshi Uematsu bị lòng hận thù hối thúc và tội ác man rợ của anh ta là hành vi của một người nào đó tìm cách trả thù. Ông Yasuyuki Deguchi lưu ý rằng, Uematsu rõ ràng đã lên kế hoạch tấn công và sau đó ra đầu thú sau khi “sứ mệnh” hoàn thành. 

Vụ tấn công ngày 26-7 không phải là không có dấu hiệu cảnh báo. Ngày Valentine năm nay, Uematsu đã cố chuyển một bức thư tay đến Chủ tịch Hạ viện đề nghị tạo ra “một thế giới cho phép giết người vì lòng thương”. Sau đó, Cảnh sát Thủ đô Tokyo và Cảnh sát tỉnh Kanagawa đã được cảnh báo về trường hợp này.

Uematsu đã tự nguyện nhập viện tâm thần 12 ngày để đánh giá sức khỏe tâm thần nhưng sau đó được thả về. Được cảnh sát hỏi về động cơ gây án, Uematsu nói rằng: “Tôi có mối thù với họ”, tuy nhiên không rõ “họ” ở đây là chỉ các bệnh nhân, nhân viên tại trung tâm nói trên hay là cả xã hội.

 Nhiều người tự hỏi, liệu các cuộc tấn công tương tự có thể được ngăn chặn? Có người chỉ ra lỗ hổng trong việc điều trị bệnh tâm thần hay tư vấn tâm lý, người khác lại cho rằng nếu Nhật Bản cho phép người dân được sở hữu vũ khí thì họ sẽ có thể tự vệ tốt hơn.

Trong thực tế, các vụ giết người do súng đạn ở Nhật Bản thuộc dạng hiếm, bởi năm ngoái, đất nước 126 triệu dân này chỉ xảy ra một vụ bắn chết người.