Vụ mất 245 tỷ tại Eximbank: Ngân hàng nên bồi thường cho khách hàng trước rồi kiện nhân viên lừa đảo?

ANTD.VN - Nếu có kết luận cán bộ cố tình lừa cả ngân hàng và khách hàng thì trước tiên ngân hàng có thể trả tiền cho khách hàng và sau đó kiện cán bộ, nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo đó.

Đây là ý kiến của chuyên gia được đưa ra tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Làm sao để tiền gửi ở ngân hàng được an toàn” tổ chức ngày 27/2.

Ngân hàng phải bồi thường cho khách hàng trước

Theo TS. Đặng Anh Tuấn – Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính (ĐH Kinh tế Quốc dân), trong các trường hợp cán bộ ngân hàng cố tình lừa đảo cả khách hàng và ngân hàng, gây tổn thất cho khách hàng như những trường hợp gần đây thì trước tiên ngân hàng có thể trả tiền cho khách hàng và sau đó khởi kiện cán bộ, nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo đó.

TS. Đặng Anh Tuấn cho rằng, về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.

“Tôi cho rằng quy trình nghiệp vụ của ngân hàng dễ xảy ra tổn thất như những trường hợp gần đây thực sự là mối nguy rất lớn. Tuy nhiên, nếu khách hàng thực hiện giao dịch đúng quy trình và tại trụ sở của ngân hàng thì rủi ro gần như không xảy ra” – vị chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, đối với trường hợp khách hàng mất 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Eximbank, luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính lại cho rằng việc ngân hàng chờ phán quyết của tòa án thì mới bồi thường cho khách hàng là không sai, vì “đó là quyền của họ”.

Ngân hàng nên bồi thường cho khách hàng trước rồi mới kiện nhân viên lừa đảo

“Nhưng xét về góc độ kinh tế, uy tín thì bằng điều tra của ngân hàng, nếu họ nhận thấy lỗi từ phía nhân viên ngân hàng, thì họ nên bồi thường cho khách hàng để đảm bảo uy tín của mình. Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng hiện nay thường chờ phán quyết của tòa án mới xử lý vụ việc” – luật sư Chu Mạnh Cường nói.

“Theo sự theo dõi của tôi với vụ án này, cơ quan điều tra có phát lệnh truy nã. Nếu chờ bắt được kẻ bị truy nã, đưa ra điều tra xét xử mới đưa ra quyết định trả hay không trả tiền cho khách hàng thì không biết đến bao giờ. Trên thực tiễn, để đi đến thỏa thuận chốt thời hạn toán bồi thường cho người gửi tiền rất khó” – vị luật sư nêu quan điểm.

Khách VIP có thể giao dịch ngoài ngân hàng

Về vấn đề khách VIP có nên giao dịch ngoài ngân hàng hay không, theo TS. Đặng Anh Tuấn, dịch vụ đối với khách hàng ưu tiên là một loại hình dịch vụ giống như các dịch vụ khác của ngân hàng. Khách hàng VIP vẫn có thể giao dịch ngoài giờ và ngoài ngân hàng nếu như các quy định của pháp luật và ngân hàng cho phép.

Đồng thời, ngân hàng có các biện pháp kiểm soát rủi ro và giải thích rõ để khách hàng biết được quy trình và nghiệp vụ cũng như cách quản lý rủi ro mà ngân hàng thực hiện để cùng hạn chế các rủi ro với ngân hàng. Thế nên, theo vị chuyên gia này, chỉ cần nghiệp vụ quản lý tốt, ngân hàng vẫn có thể cung cấp dịch vụ này một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV thì trong hoạt động ngân hàng nói riêng và kinh tế nói chung, khách hàng VIP là khách hàng quan trọng các ngân hàng và phải có chính sách đặc biệt. Không chỉ riêng Việt Nam mà quốc Tế cũng có dịch vụ đặc biệt dành cho khách hàng đặc biệt.

Tuy nhiên, trước hết, phía ngân hàng phải làm đúng quy định, quy trình. “Khi đến nhà riêng khách hàng, phải có ít nhất 3 người tham gia giao dịch, bao gồm 1 thủ quỹ, 1 nhân viên giao dịch và 1 người bảo vệ (công an), hoặc 1 người kiểm soát hoặc trực tiếp phê duyệt” – TS Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, trong các vụ việc gần đây, một phần lỗi thuộc về khách hàng do nhiều người vẫn còn e ngại và chỉ muốn giao dịch với một người duy nhất. Đây chính là kẽ hở của cả ngân hàng và khách hàng. Khách hàng cần phải giao dịch với nhiêu người hơn để đảm bảo cho chính mình.

Đồng thời, cần quan tâm hơn đến việc phối hợp với ngân hàng để theo dõi dòng tiền của mình và việc ủy quyền. Khách hàng cần phải chắc chắn về giấy ủy quyền của mình, không nên bỏ trống vì đó chính là khoảng trống nguy hiểm.