Vũ khí và công nghệ Nga là xương sống quân đội Trung Quốc

ANTĐ - Ngày 20-8 vừa qua, trang mạng thông tin tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, doanh số bán vũ khí của Nga đang ngày một tăng, đặc biệt là xuất khẩu. Trong đó, một vị khách sộp nhất là Trung Quốc, hiện các vũ khí Nga đều xứng đáng là xương sống cho các lực lượng vũ trang nước này.

Bài viết cho biết, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2012 là 13 tỷ USD, đồng thời Nga cũng ký kết hàng loạt các hợp đồng quốc tế trị giá 17,6 tỷ USD. Về phần Trung Quốc, trong 15 năm qua, họ đã mua sắm rất nhiều loại vũ khí hiện đại của Nga với tổng kim ngạch lên tới 20 tỷ USD, bình quân mỗi năm hơn 1,3 tỷ USD.

15 năm trở lại đây, Nga đã xuất khẩu cho Trung Quốc các loại vũ khí rất hiện đại vào thời điểm đó như: hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa S-300PMU2 và hệ thống phòng không tầm trung Tor-M1; máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30; tàu ngầm Kilo; cũng với hàng chục loại tên lửa đối không, đối hạm, đối đất, chống radar và nhiều loại đạn dược khác...

Với những hợp đồng mua sắm chất lượng, các loại vũ khí Nga đã trở thành xương sống trong các quân, binh chủng của Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh cũng nhận được giấy phép chuyển giao công nghệ cho đa số các hợp đồng đó. Cho đến nay, nhiều công ty của họ vẫn còn đang sản xuất những loại trang bị, vũ khí theo nội dung chuyển giao công nghệ giữa 2 nước trước đây.

Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, nhái từ hệ thống S-300 của Nga

Một số chuyên gia kinh tế Nga nhận định, xét về góc độ kinh tế quốc gia, những hợp đồng mua bán này lúc đó tuy có giá trị đối với kinh tế đất nước, nhưng xét về lâu dài, nó lại là thất bại của người Nga. Trong tình hình hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ, Chính phủ cũng có kiểm tra một số vấn đề nghi vấn trong hoạt động của Công ty xuất khẩu vũ khí Nga, nhưng cuối cùng chẳng ai là người phải chịu trách nhiệm.

Những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng 2 nước có chiều hướng  suy giảm, chuyên gia Nga nhận định, nguyên nhân là do Trung Quốc cần những công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa quân đội nhưng Nga vẫn chưa sẵn sàng cho điều này. Thời gian qua, quan hệ hợp tác kỹ thuật quốc phòng giữa 2 bên chủ yếu là thảo luận về lĩnh vực cung cấp linh, phụ kiện và sản phẩm hợp tác phát triển chung.

Hiện nay, Moscow và Bắc Kinh đang ở trong trạng thái vừa hợp tác, vừa cạnh tranh quyết liệt trên thị trường xuất khẩu vũ khí, các sản phẩm Trung Quốc đang sử dụng chính những công nghệ “nhái” từ vũ khí Nga để cạnh tranh quyết liệt với Nga. Điều này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ chính các công ty của Nga, nhằm ngăn chặn nạn chảy máu công nghệ sang Trung Quốc.

Năm 2012, 2 công ty hàng không lớn nhất của Nga là Mikoyan và Sukhoi đã hợp lực ngăn chặn hợp đồng xuất khẩu động cơ RD-93 sử dụng trên máy bay tiêm kích hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (đã liên hợp sản xuất với Pakistan dưới cái tên JF-17) của Trung Quốc, vì máy bay này chính là sản phẩm cạnh tranh quyết liệt với MiG-29 trên thị trường xuất khẩu. Sản phẩm của Trung Quốc chất lượng kém hơn rõ rệt nhưng giá thì chỉ bằng 1/3 (10 triệu/30 triệu USD).

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder, phiên bản xuất khẩu sang Pakistan của FC-1 Trung Quốc, sử dụng động cơ RD-93 của Nga


Hiện nay, có thể nói, các vũ khí Nga và sử dụng công nghệ Nga đang là trụ cột trong hệ thống vũ khí, trang bị quân đội Trung Quốc. Có thể liệt kê một số vũ khí Nga hiện đang hiện diện trong quân đội Trung Quốc như: hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa S-300PMU2 và hệ thống phòng không tầm trung Tor-M1; máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30; tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm Kilo, tàu khu trục lớp Sommeverny…

Dựa trên cơ sở đó, Trung Quốc đã nhái được rất nhiều loại vũ khí nội địa như: Hệ thống phòng không HQ-9 (nhái từ S-300); tiêm kích hạm J-15 (Su-33), tiêm kích J-16 (Su-30MKK), tiêm kích J-11 (Su-27), động cơ WS-10 Thái Hàng (AL-31FN), WS-13 Thái Sơn (RD-93); tàu ngầm lớp Nguyên (Kilo)… Hiện nay, máy bay trực thăng Z-10 của Trung Quốc vừa đem ra trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải - 2012 cũng là một sản phẩm nghi ngờ sao chép từ mô hình máy bay trực thăng thuộc “Dự án 941” của Nga.

Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang đàm phán hàng loạt hợp đồng mua sắm các loại vũ khí chất lượng hàng đầu thế giới. Tới đây, rất có thể hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa S-400, tàu ngầm AIP Amur-1650 (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Lada), máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4++ Su-35 sẽ tiếp tục trở thành trụ cột của quân đội Trung Quốc, bất kể là họ tuyên truyền là đã sản xuất được những vũ khí có tính năng “vượt Nga, ngang Mỹ”.