Trước đây, để tránh radar, các phi công thường bay không quá 100m. Nhưng bây giờ, mìn chống trực thăng buộc họ phải nâng lên độ cao mà hệ thống radar phòng không sẽ phát hiện được. Mìn đóng vai trò "chiến tranh tâm lý". Vì có mìn, máy bay trực thăng buộc phải bay lên đến độ cao 150m, và ở độ cao này, bất kỳ hệ thống phòng không tên lửa nào cũng phát hiện được.
Để làm ra thiết bị có khả năng thay đổi toàn bộ chiến lược máy bay trực thăng, các nhà thiết kế đã phải mất 3 năm. Các mẫu mìn đầu tiên trông giống như con tàu vũ trụ có chân gấp và cảm biến quay. Nhưng sau đó các nhà nghiên cứu quyết định đơn giản hóa thiết bị. Theo hình dạng bên ngoài, nó trông giống như quả mìn tròn chống tăng thông thường.
Loại mìn mới có thể nhận biết âm thanh động cơ máy bay trực thăng bay ở khoảng cách hơn 400m nhờ sử dụng cảm biến âm thanh độ nhạy cao. Khi máy bay trực thăng lọt vào khu vực bị ảnh hưởng thì mìn nổ. Đầu đạn bay với tốc độ 2,5 km/giây có thể xuyên qua lớp bọc thép dày hàng cm. Không có máy bay trực thăng hiện đại nào có thể đứng vững trước cuộc tấn công như vậy.
Nhưng loại vũ khí này lại không đáng lo ngại cho các mục tiêu kỹ thuật và mục tiêu sống khác do nó không phản ứng trước các tín hiệu sai lệch.
Hiệu quả của thiết bị mới đã được các nhà quân sự Nga đánh giá cao. Kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường cho thấy loại mìn như vậy có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công máy bay trực thăng nào ở độ cao nhỏ.