Vụ 4 ô tô tông liên hoàn xe máy ở quận Hà Đông: Lái xe gây tai nạn sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn tại nút giao Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội) xảy ra tối 28-7, điều được nhiều người quan tâm là lái xe gây tai nạn sẽ bị xử lý ra sao và việc bồi thường thiệt hại được thực hiện thế nào?

Bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn liên hoàn tại quận Hà Đông là do lái xe Santa Fe - Hà Thanh Hưng (SN 1977, ở Yên Bái, tạm trú tại phường La Khê, quận Hà Đông) không làm chủ tốc độ.

Chiếc xe này khi lưu thông theo hướng từ phố Ngô Thì Nhậm ra ngã tư Quang Trung bất ngờ đâm vào 2 ô tô rồi tiếp tục tông liên hoàn vào nhiều xe máy và một xe ô tô đang dừng đèn đỏ. Vụ tai nạn khiến một người tử vong, 5 người khác bị thương, 4 ô tô, 5 xe máy và một xe điện bị hư hỏng.

Hiện CAQ Hà Đông đã tạm giữ Hà Thanh Hưng đồng thời làm các xét nghiệm liên quan đến nồng độ cồn và ma túy đối với nam lái xe. Báo cáo ban đầu của Ban ATGT Hà Nội cho thấy, lái xe này âm tính với ma túy và không có nồng độ cồn trong cơ thể.

Về chế tài xử lý đối với lái xe gây tai nạn liên hoàn, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi, người điều khiển xe có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi người điều khiển xe gây tai nạn liên hoàn hậu quả gây tử vong, thương tích cho những người tham gia giao thông và làm hư hỏng tài sản của người khác phải có nghĩa vụ bồi thường.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn ở quận Hà Đông, Hà Nội

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn ở quận Hà Đông, Hà Nội

Với thiệt hại về tài sản, Điều 589, Bộ Luật dân sự 2015 quy định, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, theo Điều 590 BLDS 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị…

Mặt khác, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận...

Cũng theo Luật sư Thu, trường hợp có căn cứ chứng minh người điều khiển xe gây tai nạn liên hoàn có hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ và gây tai nạn thì người điều khiển xe đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.