VPF tố VFF tự phá thỏa thuận

ANTĐ - Trước khi đặt tên giải là Super League, VPF đã xin ý kiến và cùng VFF thống nhất, nhưng nay VFF lại buộc phải đổi lại tên về V-League. VPF yêu cầu VFF phải giữ đúng thỏa thuận.

Tạm thời đổi tên giải về V-League

Sau 4 vòng đấu tổ chức, chiều nay 9-2, Công ty VPF tổ chức cuộc gặp mặt báo chí, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác điều hành các giải đấu quốc nội. Tại đây, VPF cũng bày tỏ quan điểm của mình xoay quanh việc đặt tên giải VĐQG, vấn đề gây tranh cãi thời gian qua.

Tất cả thành viên VPF đều tỏ ra bất bình trước việc VFF mới đây gửi công văn yêu cầu công ty này phải đổi tên giải về V-League. Nguyên nhân được tiết lộ là do trước khi giải tổ chức, đôi bên đã bàn họp và thống nhất dùng tên giải Super League kể từ mùa giải 2012.

Thực tế là cái tên này đã được áp dụng suốt 4 vòng đấu qua. Và ngay cả trên trang web chính thức của VFF, cũng đã dùng Super League khi đăng tải các thông tin liên quan đến giải VĐQG như một sự thừa nhận. Theo lãnh đạo VPF, chính VFF đã không làm đúng thỏa thuận.

Thay mặt VPF, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Thường trực VFF trả lời cụ thể việc đổi tên có lợi gì, xấu gì và mục đích như thế nào.

“Quan điểm của VPF rất đơn giản, chúng tôi không tranh chấp tên giải đấu, không tranh luận tên nào hay hơn, nhưng mong muốn tất cả phải tôn trọng những gì đã làm. Tất cả phải có trình tự, thủ tục và đúng pháp luật. Chúng tôi sẽ tôn trọng sự chỉ đạo nhưng sẽ có báo cáo những gì mà các bên đã thỏa thuận”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo VPF, VFF là đơn vị quản lý trực tiếp nên VPF sẽ chấp hành chỉ đạo về việc đổi tên từ vòng 5. Tuy nhiên, VFF cần cân nhắc thiệt hơn, bởi thay đổi trên sẽ kéo theo nhiều tổn thất, xáo trộn như phải thay lại toàn bộ, băng-zôn, khẩu hiệu, áo thi đấu, vé… Và vô hình trung sẽ lãng phí số tiền hàng tỷ đồng.

Tuy vậy, VPF khẳng định sẽ chịu mọi chi phí đến việc thay đổi này bởi sự việc xuất phát từ VPF nên không thể để các CLB chịu. Thời gian tới, VPF sẽ lấy ý kiến các CLB về vấn đề tên gọi của giải.

“Tên giải không làm thay đổi bản chất của giải đấu. Tất cả phải tôn trọng những gì đã thống nhất, nguyên tắc làm việc phải tôn trọng tập thể. Cá nhân tôi cho rằng tên nào VPF cũng đồng ý nếu như không làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi thương mại”, ông Kiên nói.

Tranh chấp bản quyền truyền hình vẫn là cuộc chiến chưa hồi kết.

VPF sẽ theo vụ thương quyền đến cùng

Sau hơn 2 tháng làm việc, hiện đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL đang hoàn tất hồ sơ thanh tra thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp giữa VFF và AVG.

Theo khẳng định của lãnh đạo VPF, công ty này sẽ theo đến cùng và làm tới nơi tới chốn. Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: “Nếu những kết luận của đoàn thanh tra không tâm phục khẩu phục hoặc chưa rõ, chúng tôi sẽ yêu cầu phúc tra. Nếu chưa thỏa mãn, tiếp tục kiến nghị lên Tổng thanh tra Chính phủ và bước cuối cùng là ra tòa”.

Theo ông Kiên, bản quyền truyền hình ảnh hướng lớn đến tương lai của bóng đá Việt Nam, các ĐTQG, các giải đấu và cả quyền lợi trực tiếp của giới truyền thông.

“Tôi biết mình đang chịu một áp lực rất lớn, nhưng không ngại, không sợ áp lực, sẽ làm tới cùng, làm tới nơi tới chốn. Tôi cũng nói với các thành viên trong HĐQT rằng tôi có thể bỏ kinh doanh để đi tới cùng trong bóng đá với mục đích đàng hoàng, không vì quyền lợi của bất cứ cá nhân nào”.

Liên quan đến công văn của Bộ VH, TT&DL hôm qua “tuýt còi” trường hợp của đài VTC vào quay trận HN T&T và Kiên Giang trên sân Hàng Đẫy vòng 4, ông Kiên đưa ra quan điểm của VPF: “Việc cho VTV, các đài địa phương được vào sân quay là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục đích tạo điều kiện cho VTV và các đài được truyền hình phục vụ đông đảo người hâm mộ. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề này”.

 Như vậy, VPF vẫn sẽ cho phép các đài truyền hình có nhu cầu vào sân tổ chức sản xuất, phát sóng các trận đấu trước khi vụ bản quyền truyền hình được sáng tỏ.