Vòng luẩn quẩn

ANTĐ - Bên cạnh biến đối khí hậu thì xung đột và đô thị hóa đang được xem là những mối họa lớn với an ninh lương thực toàn cầu,  đặc biệt là châu Á và  châu Phi.

Các trẻ em vùng xung đột ở Syria đang nhận phần lương thực ít ỏi cứu trợ

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) ngày 24-2 công bố một báo cáo cho biết, xung đột, dân số tăng nhanh cũng như tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào lương thực nhập khẩu đang đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực khu vực Tây Á và Bắc Phi. Thách thức này nếu không được giải quyết sẽ đẩy các khu vực trên vào vòng xoáy luẩn quẩn mất an ninh lương thực, nghèo đói làm gia tăng xung đột và xung đột lại càng làm trầm trọng thêm nghèo đói.

Báo cáo của FAO phác thảo bức tranh toàn cảnh ở Tây Á và Bắc Phi cho thấy số người thiếu ăn vẫn cao, khoảng 43,7 triệu người, tương đương 10% dân số của 2 khu vực này, bên cạnh đó là 24,5% số trẻ em dưới 5 tuổi bị còi xương vì suy dinh dưỡng. Trong khi đó, suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề phổ biến ở những nước phát triển và đang phát triển, gây hậu quả nghiêm trọng tới tỉ lệ học sinh đến trường, ảnh hưởng đến năng suất lao động và sức khỏe cộng đồng.

Theo đánh giá của FAO, nhân tố chính ảnh hưởng tới an ninh lương thực ở Tây Á và Bắc Phi những năm gần đây là các cuộc xung đột và nội chiến tại các khu vực này, đặc biệt là tại các điểm nóng như Iraq, Sudan, Syria, Yemen, khu vực bờ Tây và Dải Gaza. Trong đó, chỉ tính riêng ở điểm nóng xung đột Syria đã có tới 6,3 triệu người cần được hỗ trợ lương thực và thực phẩm. 

Bên cạnh nguyên nhân bạo lực, biến đổi khí hậu cũng là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực ở châu Á, Bắc Phi cũng như thế giới nói chung. Những nghiên cứu mới đây cho thấy thực trạng đáng báo động là tại Đông và Nam Á, việc thay đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ mưa, tăng tần suất hạn hán và nhiệt độ trung bình, đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn ở vùng châu Phi cận Sahara, theo dự báo, đến năm 2020 lượng mưa sẽ giảm một nửa.

Giới chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu có thể làm sản lượng nông sản tổn thất đến 50%. Bởi thế, nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, khiến số người bị thiếu đói và suy dinh dưỡng tăng vọt. 

Cho dù thế giới đã có những bước tiến rất dài về khoa học công nghệ song việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu vẫn là một thách thức lớn, nhất là khi phải chịu thêm những mối đe dọa như xung đột hay biến đổi khí hậu giữa lúc số dân toàn cầu liên tục gia tăng. Theo dự báo, dân số thế giới sẽ tăng từ hơn 7 tỷ người hiện nay lên 9,1 tỷ vào năm 2050, mà đa số diễn ra ở những nước đang phát triển. Chỉ riêng đáp ứng nhu cầu lương thực cho số dân tăng như vậy đã đòi hỏi lượng lương thực nói chung tăng 70% và tăng gấp đôi tại các nước đang phát triển như châu Á hay châu Phi...

Bởi vậy, dù bước sang kỷ nguyên hậu công nghiệp hay kỷ nguyên công nghệ thông tin thì an ninh lương thực vẫn là điều cốt lõi của tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ 21. Đảm bảo an ninh lương thực, bên cạnh tăng năng suất, chất lượng cây trồng, loại bỏ xung đột hay giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đối khí hậu với nông nghiệp là những nhân tố quan trọng không kém.