VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp các đợt dịch Covid-19 liên tục bùng phát nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bùng nổ ấn tượng, VN-Index tăng tới 67% trong vòng 1 năm trở lại đây (tính từ 1/7), trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới giai đoạn này.

Tăng trưởng ngoạn mục

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7, chỉ số VN-Index tiếp tục thiết lập kỷ lục mới tại 1.417,8 điểm, thanh khoản trên HoSE đạt 26.131 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, VN-Index cũng đã tăng tới gần 28%, là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ hai thế giới (sau chỉ số chứng khoán Abu Dhabi).

Còn trong vòng 1 năm, (tính từ 1/7), VN-Index đã tăng tới 67%, trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới giai đoạn này.

Lý giải về sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho rằng, diễn biến này nằm trong xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Đồng thời, dự tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện sự kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Tính đến khoảng giữa tháng 6 năm nay, thị trường Mỹ tăng trưởng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng đến 19%, còn các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản cũng đều tăng từ 10 - 12% so với thời điểm đầu năm 2021.

Điều này cho thấy, đà tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đồng điệu với thế giới và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì thị trường chứng khoán Việt Nam tăng cao hơn. So cùng thời điểm, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 23% và vốn hóa thị trường tăng trên 21%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, xét ở khía cạnh nội lực, bà Tạ Thanh Bình cho rằng, sự tăng điểm của chứng khoán Việt Nam còn đến từ diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm.

VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây ảnh 1

VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây

Trong năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng dương, sang đến đầu năm nay vẫn tăng trưởng ổn định và có tiềm năng; xuất khẩu tăng trưởng tốt; chỉ số giá tiêu dùng ổn định. Trong khi đó, lãi suất duy trì ở mức thấp, dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư như bất động sản và tiền ảo có dấu hiệu chững lại và tích cực đổ vào chứng khoán. Vì thế, không khó hiểu khi tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong nước khá mạnh mẽ, giao dịch lên mức trên 1 tỷ USD.

Đặc biệt, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá ổn định trong quý I năm nay, chứng tỏ khả năng chống chọi tốt của các doanh nghiệp trong đại dịch. Số liệu cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng tương ứng là 10,9 và 66,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến giá cổ phiếu đi lên.

Kỳ vọng sớm giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường chứng khoán cũng “bùng nổ” trong khoảng nửa năm trở lại đây.

Nếu như năm 2020, thanh khoản bình quân sàn HoSE chỉ đạt gần 6.200 tỷ đồng mỗi phiên thì đến năm 2021, những phiên giao dịch "tỷ đô" đã trở nên quen thuộc. Trong đó, tháng 5/2021, thanh khoản bình quân trên HoSE đạt tới 21.937 tỷ đồng. Sang đến tháng 6, con số này tiếp tục tăng lên tới 23.697 tỷ đồng, trong đó cá biệt có phiên giá trị giao dịch lập kỷ lục gần 31.000 tỷ đồng (phiên 4/6).

Thanh khoản tăng mạnh ngoài ngoài sức tưởng tượng đã khiến hệ thống giao dịch của HoSE gặp phải sự cố quá tải, dẫn đến nghẽn lệnh kéo dài. Mặc dù lãnh đạo HoSe cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tải hệ thống như: nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100; chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HoSE sang HNX hay hạn chế sửa, hủy lệnh nhưng tình trạng này vẫn diễn ra cho đến tận những phiên giao dịch cuối tháng 6.

Bước sang tháng 7, các nhà đầu tư kỳ vọng tình trạng này sẽ được cải thiện nhờ đưa hệ thống giao dịch mới của FPT vào vận hành dự kiến ngay đầu tháng. Cùng với đó, hệ thống KRX cũng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm, dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm nay.

Trên thực tế, tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới đánh giá của quốc tế đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong kỳ phân loại thị trường mới nhất của MSCI, một trong những vấn đề mà MSCI lưu ý đối với việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lần này là việc hệ thống giao dịch của HoSE có thể sẽ gặp trở ngại và không thể duy trì trạng thái giao dịch liên tục khi khối lượng giao dịch tăng cao. Theo đó, MSCI sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề này trong những kỳ đánh giá nâng hạng thị trường tiếp theo.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới của HoSE được đưa vào vận hành ổn định trong năm 2021 thì Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên năm 2022.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục cần thay đổi thêm những yếu tố khác để đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng của MSCI. Do đó, VCBS dự báo sớm nhất là sang năm 2023 thì Việt Nam mới có thể được MSCI đánh giá nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.