Vietcombank muốn được tăng số lượng phó tổng giám đốc, trả lương theo nguyên tắc thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vietcombank muốn được trả lương theo nguyên tắc thị trường để giữ chân, thu hút người tài; đồng thời tăng số lượng phó tổng giám đốc để đảm bảo chất lượng hoạt động.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank (VCB) Phạm Quang Dũng, sau 5 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo kế hoạch chung của ngành ngân hàng (từ năm 2017), quy mô tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng đã tăng tương ứng trên 55%, 65% và 99%.

Dự kiến đến hết năm 2022, tổng tài sản của Vietcombank ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; tín dụng ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng.

Vốn điều lệ đã tăng thêm 11.000 tỷ đồng sau 5 năm, đạt mức trên 47.000 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu tăng gần 53.000 tỷ đồng, đạt 136.000 tỷ đồng.

Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%, giảm mạnh so với mốc 1,12% năm 2017. Vietcombank đã thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế và là ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trên thị trường.

Tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017. Tổng nộp ngân sách nhà nước trong 5 năm gần đây đạt hơn 50.000 tỷ đồng, riêng năm 2022 là hơn 11.200 tỷ đồng.

“Như vậy, Vietcombank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng được đề ra tại Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020, trong đó, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả... Tuy nhiên, một nội dung quan trọng Vietcombank chưa hoàn thành so với Phương án đã đề ra là việc tăng vốn điều lệ, vấn đề nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại nhà nước”, ông Dũng nói.

Vietcombank muốn được sớm tăng vốn điều lệ

Vietcombank muốn được sớm tăng vốn điều lệ

Vì vậy, trong các đề xuất đến cơ quan quản lý, lãnh đạo Vietcombank kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

“Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ (nội dung này đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ).

Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (là nội dung đã được Thủ tướng Chính Phủ, NHNN và Bộ Tài chính đồng ý về chủ trương)”, ông Phạm Quang Dũng nói.

Một trong những kiến nghị quan trọng khác, lãnh đạo Vietcombank đề xuất NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

“Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ” – lãnh đạo Vietcombank cho hay.

Liên quan đến vấn đề tiền lương, Vietcombank kiến nghị NHNN cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung để giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Trong 5 năm qua (2016-2021), năng suất lao động bình quân của Vietcombank tăng hơn 200%, nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%” – lãnh đạo Ngân hàng chia sẻ.

Không chỉ vậy, Ngân hàng còn kiến nghị NHNN và các bộ ngành liên quan cho phép có cơ chế lương riêng, không thuộc quỹ lương chung của ngân hàng, dành cho các vị trí công việc đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trước mắt, có thể cho phép triển khai thí điểm với các điều kiện ràng buộc về hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.

Ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung được tăng thêm số lượng phó tổng giám đốc để đảm bảo chất lượng hoạt động.

“Tính từ năm 2012 đến nay, quy mô của Vietcombank đã tăng gần 5 lần, trong khi định mức tối đa về số lượng phó tổng giám đốc (được áp dụng từ năm 2012) là không thay đổi - chưa kể đến thực tế có 1 phó tổng giám đốc người nước ngoài đại diện của cổ đông chiến lược Mizuho không tham gia điều hành”, Chủ tịch Vietcombank nói.