Đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Việt Nam vẫn hấp dẫn
(ANTĐ) - Đó là khẳng định của các đại biểu quốc tế tại hội thảo “Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế” diễn ra sáng 21-5. Trong dài hạn, các thế mạnh của Việt Nam: vị trí địa lý, chính trị ổn định, sự năng động của người dân vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thủ tục hành chính cần được tinh giản hơn nữa |
FDI đóng góp lớn cho nền kinh tế
Đại diện quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, giai đoạn 10 năm, từ 2001-2009 là thời kỳ vàng son của Việt Nam trong việc thu hút FDI. “Khoảng năm 2007, các nhà đầu tư nước ngoài thực sự “phê” Việt Nam. Năm này, hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam gia nhập WTO và có “chân” trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính phủ Việt Nam cũng có những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư”.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), FDI trong giai đoạn này đã giúp Việt Nam đạt được 7 thành tựu đáng kể: bổ sung thêm nguồn vốn cho vốn đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; đóng góp vào ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và tính minh bạch của môi trường đầu tư Việt Nam; hội nhập sâu rộng với đời sống kinh tế quốc tế và tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. Bộ mặt kinh tế Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian này nhờ vào 8.476 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 124,4 tỷ USD. Nếu tính cả vốn tăng thêm thì nguồn vốn FDI thời kỳ này lên tới 147,3 tỷ USD, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 1991-2000.
Tuy nhiên, từ sau kỷ lục thu hút FDI của năm 2008, thu hút FDI vào Việt Nam bắt đầu giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. “Niềm lạc quan đầu tư vào Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn trong kinh tế vĩ mô. Nhà đầu tư kén chọn hơn khi đưa ra quyết định dự án và mức đầu tư” - đại diện IMF nói. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn bởi vị trí địa lý thuận lợi, nền chính trị ổn định và sự năng động của người dân.
Cần 150 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng
Theo Tiến sĩ Matthias Duhn, Việt Nam cần từ 80-90 tỷ USD để cải thiện hệ thống đường sá, cảng biển. Nếu nâng cấp cả hệ thống điện, viễn thông… sẽ cần khoảng 150 tỷ USD. Cơ sở hạ tầng yếu kém đang hạn chế sự phát triển của kinh tế, tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Cũng theo Tiến sĩ Matthias Duhn, không nên dựa hoàn toàn vào nguồn vốn nhà nước trong trường hợp này, nên khuyến khích đầu tư tư nhân theo mô hình hợp tác công - tư để cải thiện các vấn đề trên.
Về thủ tục hành chính, Việt Nam cần được đơn giản hóa hơn nữa. Trong khi các nhà đầu tư FDI muốn bỏ vốn vào Singapore, đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ mất 6 tiếng và 14USD lệ phí thì tại Việt Nam, họ cần tới 6 tháng và 10.000USD. Bên cạnh đó, các thủ tục hải quan vẫn rườm rà, đánh đồng nhiều loại hàng hóa có giá trị khác nhau gây phiền hà, mất thời gian. Những điểm yếu này hạn chế rất nhiều khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn hậu khủng hoảng.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, sau Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, quan trọng là Nhà nước sẽ không cho ra đời thêm những văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn… Ngoài ra, muốn thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công việc.
Thay đổi cách tiếp cận vốn FDI
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, FDI cũng bộc lộ những hạn chế đối với Việt Nam như: những bất hợp lý trong hệ thống chính sách, pháp luật; công tác quản lý Nhà nước; bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển giao công nghệ và xảy ra tranh chấp lao động. Chính vì vậy, yêu cầu đảm bảo môi trường sẽ rất được quan tâm trong phê duyệt các dự án đầu tư mới.
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI đánh giá: “Việt Nam chưa chủ động trong việc lựa chọn dự án FDI, thường bị động cả về ý tưởng hình thành dự án, quy mô vốn đầu tư, diện tích đất sử dụng, tiếp cận thị trường, thời gian triển khai và kết thúc xây dựng dự án”. Bởi vậy mới dẫn đến việc, Việt Nam sắp “bội thực” nhà máy xi măng trong khi công nghiệp phụ trợ “dậm chân tại chỗ”. Cũng theo ông Mại, Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu vùng lãnh phổ trong cấp phép đầu tư, tiếp cận mới về đối tác đầu tư; quản lý nhà nước; hoạt động xúc tiến đầu tư; phân cấp cho chính quyền địa phương để đầu tư an toàn, đề phòng sự lũng đoạn của thị trường.
Tiến sĩ Matthias Duhn - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam cần khuyến khích các đầu tư FDI tốt. Đó là các đầu tư dài hạn, bền vững. Đồng thời, nên hạn chế các dự án FDI xấu, mang tính đầu cơ, ngắn hạn”.
Vân Hằng