Việt Nam tiếp tục vay 251 triệu USD từ ADB

ANTĐ - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam hôm nay đã ký kết 3 hiệp định vay vốn với tổng trị giá 251 triệu USD.
           

             Tăng cường khả năng tiếp cận và theo học phổ thông trung học của học sinh miền núi

Khoản hỗ trợ trên sẽ giúp Việt Nam củng cố các kỹ năng giảng dạy và các khóa học để thu hẹp khoảng cách giữa những đòi hỏi về lao động với khả năng cung cấp thông qua một hệ thống giáo dục tốt hơn.

Tăng cường năng lực của hệ thống truyền tải điện để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định. Cải thiện công tác quản lý rủi ro và giảm nhẹ tác động của lũ lụt và hạn hán.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, phát biểu: “Mặc dù Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong vòng hai thập kỷ qua, tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào một lực lượng lao động có đủ trình độ để đáp ứng các đòi hỏi của thị trường lao động, một hệ thống cung cấp điện ổn định để đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang tăng lên nhanh chóng và khả năng của đất nước trong việc giảm nhẹ những rủi ro và tác động do lũ lụt và hạn hán gây ra”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại ở Việt Nam có dưới 30% số công nhân trẻ, chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động, hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.

Mặc dù tỷ lệ theo học và tôt nghiệp trung học phổ thông đã tăng nhanh trong vòng một thập kỷ qua, kết quả học tập của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp khi so sánh với các quốc gia ASEAN khác.

Một khoản vay ưu đãi của ADB cho Dự án Phát triển Giáo dục Trung học Phổ thông giai đoạn 2 sẽ tập trung cải thiện mức độ sẵn sàng của các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để các em tiếp tục theo học đại học và đào tạo nghề.

Thông qua việc tăng cường chất lượng giáo dục phổ thông trung học đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường khả năng tiếp cận và theo học phổ thông trung học của những nhóm đối tượng ít có điều kiện. Tập trung đặc biệt vào các học sinh nữ và học sinh người dân tộc thiểu số xuất thân từ các hộ gia đình nghèo và cận nghèo.