Nhiều mẫu xe mới, kể cả bình dân lẫn xe sang vừa ra mắt đã “cháy hàng” và có doanh số bán kỷ lục như Toyota Altis, Vios, Honda City, Ford Ecosport, Ranger, Mercedes C-Class thế hệ thứ 5... Nhiều doanh nghiệp (DN) ô tô đạt mức tăng trưởng tốt do lượng xe bán ra tăng mạnh. Khuyến mãi, giảm giá không rầm rộ như trước kia, nhưng doanh số bán vẫn tốt đang khiến cho lĩnh vực kinh doanh ô tô trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết.
Trong tổng doanh số bán trên 150.000 xe các loại thì chiếm tới gần một nửa là xe nhập khẩu nguyên chiếc. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/12/2014 đã có tổng cộng 66.025 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước, đạt giá trị 1,446 tỷ USD. Con số này ước tính đến hết tháng 12 sẽ ở mức khoảng 70.000 xe các loại, chiếm gần một nửa số xe tiêu thụ cả năm và gấp 2 lần số xe nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2013.
Theo các DN, năm 2014 có trên 60 mẫu xe mới được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam, từ xe bình dân, giá rẻ cho đến xe sang và siêu xe với giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 12-2014, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, lượng tiêu thụ của toàn thị trường đạt 20.208 ô tô (bao gồm 13.221 xe con và gần 7.000 xe tải), là tháng bán nhiều xe nhất trong 3 năm gần đây. Trong thời điểm hiện tại, khi chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2015, nhưng vẫn có ít nhất 100 khách đang phải “xếp hàng” chờ đợi để được mua chiếc xe hạng sang thương hiệu Lexus nhập khẩu chính hãng. Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa ra khỏi tình trạng trì trệ, nhưng kỷ lục chơi sang đến mức cao nhất trong trên 4 năm qua đã đặt những câu hỏi rất đáng chú ý về thực lực của các doanh nhân và của chính nền kinh tế.
Những yếu tố hỗ trợ để chúng ta cưỡi ô tô
Năm 2014, thực hiện lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO, thuế trước bạ xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm từ 60% xuống 50%. Nhưng đó chưa phải là nguồn lực lớn nhất thúc đẩy cơn sóng mua xe ô tô của nửa cuối năm 2014, bởi các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN trong năm 2014 gần như không giảm giá so với 2013 dù thuế giảm, vậy nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ tốt. Xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực Asean đang có doanh số bán tốt hơn so với xe lắp ráp trong nước cùng phân khúc. Cơn sốt chỉ thật sự bắt đầu khi giá xăng giảm và lãi suất huy động giảm xuống mức 5%/năm và còn có cơ giảm thêm. Chính nguồn tiền không có cơ hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã dẫn các ông chủ gia đình đến với các đại lý xe. Còn thêm một lực đẩy nữa là việc khánh thành một loạt các đường cao tốc, các cây cầu lớn đã cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho người dân di chuyển bằng ô tô tốt hơn.
Diễn biến thị trường cực kỳ sôi động và giống như thời trang, xe ô tô cũng tạo sóng trong đời sống sau những chiêu PR cực kỳ tinh vi của các hãng buôn. Năm 2014, người tiêu dùng đã chứng kiến nhiều mẫu xe nhập khẩu, cứ về đến đâu là hết hàng đến đó, đặc biệt là xe sang. Điều này dường như trái ngược với tình hình kinh tế chung cũng như những phản ánh của DN và người dân về khó khăn trong cuộc sống và làm ăn. Tại Vietnam Motorshow 2014, sau 5 ngày mở cửa, đã có 560 đơn đặt hàng, chủ yếu dành cho các mẫu xe sang, nhập khẩu nguyên chiếc, được trưng bày tại đây với tổng giá trị hợp đồng lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trước đó, Audi Việt Nam cho biết, mẫu xe Audi A8L có giá bán khởi điểm là 4,8 tỷ đồng, ban đầu chỉ dự kiến bán khoảng 20 chiếc đến hết năm 2014. Tuy nhiên, hiện số lượng đơn đặt hàng đã cao hơn gấp 2 lần. Theo các DN, thị trường xe sang Việt Nam năm 2014 vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số. Hiện tại, Meredes Việt Nam là hãng chiếm thị phần lớn nhất và năm nay có thể bán vượt 2.000 xe sang. Các hãng khác như BMW cũng có doanh số bán tăng, ước tính hơn 1.000 xe trong năm nay. Audi thấp hơn cũng ở mức 800 xe, ngoài ra là Porsche, Range Rover, Renault... cũng chiếm 1 số lượng khách hàng không nhỏ.
Đáng chú ý, tăng trưởng của xe nhập khẩu còn được hỗ trợ mạnh từ việc có nhiều dòng xe đang có nhu cầu lớn mà trong nước không lắp ráp hoặc lượng lắp ráp không nhiều như xe đầu kéo, xe tải nặng. Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu nhập khẩu ô tô Trung Quốc (chủ yếu là xe tải cỡ trung và nặng). Trong khi nhập khẩu ô tô nói chung tăng trưởng gấp đôi thì nhập khẩu xe từ Trung Quốc đã tăng gấp 3 trong 11 tháng đầu năm. Có thể nhận thấy một đặc điểm lớn của thị trường ô tô năm 2014 là thị trường phát triển mà không cần sự hỗ trợ về giá. Giá xe ô tô, nhất là xe cá nhân hầu như không thay đổi so với năm 2013, thậm chí một số loại xe sang còn có dấu hiệu tăng hơn, chưa kể các đại lý nhân việc xe khan hiếm hoặc chậm về còn đòi thêm vài triệu... Chính đặc điểm này cho thấy sự giảm sút cơ hội đầu tư của nền kinh tế.
Sự bế tắc của công nghiệpô tô trong nước, miếng bánh đã của người ta
Tuy tiêu thụ ô tô có bước tăng trưởng cao vào tháng cuối năm, nhưng sản lượng xe lắp ráp trong nước tháng 12-2014 chỉ đạt 13.440 xe (giảm 16%), số lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng là 6.700 xe (tăng 55% so với tháng trước đó). Đến hết tháng 12, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 32%, trong khi xe nhập khẩu tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Miếng bánh thị trường đã rơi vào người ngoài. Tại sao vậy?
Hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tổng năng lực sản xuất, lắp ráp khoảng 460.000 xe/năm, trong đó một nửa là xe con. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được đánh giá là chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự khi phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Vấn đề ở chỗ, với cơ chế chính sách hiện tại, nhập xe nguyên chiếc về kinh doanh có lãi hơn lắp ráp trong nước, chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đã chuyển hẳn sang nhập xe về bán. Một số doanh nghiệp khác như Xuân Kiên gần như phải ngừng sản xuất vì những dự án nội địa hóa phụ tùng ô tô không được hỗ trợ của chính sách. Ngoại trừ Công ty Trường Hải (THACO) còn phát triển được, các doanh nghiệp trong nước đều đang bất động nhìn các hãng xe nước ngoài diễu võ dương oai trên đất nhà. Ngành công nghiệp ô tô đã qua quá nhiều các kế hoạch chiến lược, nhưng có thể nói đã thất bại. Các doanh nghiệp ô tô trong nước khẳng định, nguyên nhân thất bại chính là chính sách hỗ trợ nhập khẩu hơn là sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp cay đắng thốt lên: Chúng tôi không cần Chính phủ rót tiền, chúng tôi cần một chính sách công bằng.
Đầu năm 2015, Bộ Công thương lại đưa ra dự thảo về phát triển công nghiệp ô tô. Trong bản dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất mức ưu đãi chung là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu. Đáng lưu ý, Chính phủ cũng tập trung ưu đãi mạnh cho dòng xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh dưới 2.0L và đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 25% trở lên. Đặc biệt, khi mức nội địa hóa của dòng xe này lên tới trên 40% thì mức ưu đãi thuế, phí sẽ lên tới 70%. Các mức nội địa hóa từ 25% đến 40% sẽ tính toán ưu đãi cụ thể sau nhưng với phương châm tỉ lệ nội địa hóa càng cao, mức ưu đãi thuế, phí càng nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia, với chính sách như trên, những doanh nghiệp đạt được điều kiện để hưởng ưu đãi có thể là Toyota Việt Nam, Trường Hải và Vinaxuki. Đây là những doanh nghiệp đã có những mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%. Nếu phương án ưu đãi nói trên đi vào hiện thực thì thuế tiêu thụ đặc biệt của ôtô dưới 10 chỗ ngồi sẽ còn 22,5-30% và thuế đăng ký trước bạ sẽ còn 5-7%.
Tại buổi họp sáng 28/1, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo về một số đề xuất trong triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo sớm xây dựng các cơ chế, chính sách tín dụng, thuế, phí cụ thể đối với ngành ô tô để doanh nghiệp, giới đầu tư có căn cứ, định hướng rõ ràng cho các dự án đầu tư ô tô và kinh doanh trên thị trường ô tô Việt Nam. Hy vọng sau kế hoạch lần thứ 5 này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ cất cánh bằng với công nghiệp ô tô của... Campuchia.
Năm 2015, ô tô sẽ giảm giá
Có 8 mặt hàng ôtô dự kiến sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xuống bằng mức cam kết WTO cho năm 2015. Đó là nội dung sửa đổi thông tư về thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý. Theo đó, từ 1-1-2015, xe ôtô có nội thất được thiết kế như căn hộ (Motor-homes) và xe ôtô có dung tích xi lanh trên 2.500 cc được giảm thuế nhập khẩu từ 67% xuống 64%. Ngoài ra, thuế nhập khẩu mặt hàng xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có tổng trọng lượng tối đa không quá 5 tấn giảm từ 59% xuống 56%… Theo lộ trình gia nhập AFTA, từ năm 2014 đến 2018, thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ hạ dần xuống 0%. Cụ thể, trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 là 0%.
Kể cả sang năm 2015 mặc cho thuế suất thuế nhập khẩu vẫn giữ nguyên mức 50% thì với các phương án ưu đãi cho sản xuất ôtô trong nước do Bộ Công thương đề xuất thành hiện thực, được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30-50%, giảm lệ phí trước bạ 50% thì các mẫu xe nhập khẩu có dung tích xi lanh dưới 2.0L cũng được hưởng các ưu đãi này. Kỳ vọng, giá xe ô tô cùng loại sẽ giảm khoảng 10% so với năm 2014. Cho ý kiến về lộ trình cũng như định hướng xây dựng chính sách các sắc thuế, chủng loại sản phẩm, Chính phủ đã đề nghị các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính và Công Thương phối hợp chặt chẽ, thống nhất cao trong các đề xuất, dự thảo, vừa đảm bảo tính ổn định, lâu dài và rõ ràng, vừa phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam.