UNCLOS điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ trên biển
Nhân dịp tròn 9 năm ra phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc (12-7-2016/12-7-2025), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Chủ trương nhất quán và rõ ràng của Việt Nam là các tranh chấp trên biển phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982”.
![]() |
Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 tại Hà Nội, năm 2022 |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh các bên liên quan cần phải tôn trọng quyền của các nước khác và thực thi đầy đủ nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong UNCLOS 1982, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có “đường 9 đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, được vẽ sát vào bờ của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines, chiếm tới 80% diện tích của Biển Đông. Trung Quốc còn khẳng định mình có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước kế cận; đồng thời có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở khu vực này.
Ngày 22-1-2013, Philippines gửi tuyên bố khởi kiện Trung Quốc về một số khía cạnh của tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông theo quy định của UNCLOS. Trong tuyên bố khởi kiện, Philippines đề nghị Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết với yêu cầu của nước này, trong đó có việc yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS và do đó không có giá trị pháp lý; đồng thời xác định quy chế pháp lý của một số thực thể đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, làm rõ liệu các thực thể này là đảo, bãi lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm và liệu chúng có thể tạo ra các vùng biển rộng lớn hơn 12 hải lý hay không.
Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài ra phán quyết với một loạt các nội dung quan trọng, có thể tóm tắt như sau.
Thứ nhất, tòa khẳng định các quyền và nghĩa vụ trên biển được điều chỉnh theo quy định của UNCLOS và ở khu vực Biển Đông các quốc gia không thể duy trì các yêu sách biển vượt quá hoặc trái với các quy định của UNCLOS.
Thứ hai, tòa khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách “đường 9 đoạn” của mình với tư cách là yêu sách biển. Tòa xác định yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc có nội hàm là một yêu sách đối với một nhóm các quyền lịch sử cụ thể trên Biển Đông, bao gồm các quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, chứ không phải là yêu sách chủ quyền lịch sử trên Biển Đông.
Thứ ba, Tòa Trọng tài khẳng định không có bất kỳ thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được xem là đảo với đầy đủ các vùng biển tương tự như đất liền và các bãi lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng để thụ đắc lãnh thổ. Điều này có nghĩa Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác không thể có cơ sở pháp lý để yêu sách chủ quyền đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm này. Đối với các thực thể luôn nổi trên mặt nước biển thì chúng chỉ có thể được xem là đảo đá (rocks) với tối đa 12 hải lý lãnh hải và 24 hải lý tiếp giáp lãnh hải tính từ đường cơ sở của từng thực thể, bao gồm đảo đá ở các bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal), bãi Gaven (cụm phía Bắc), bãi Ken Na (McKenna Reef), bãi Gạc Ma (Johnson Reef), bãi Châu Viên (Cuarteron Reef) và bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Nói cách khác, các đảo đá này không thể có vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý như đất liền.
![]() |
Tranh tụng tại Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc |
Việt Nam đạt thành tựu đáng kể trong thực thi UNCLOS
Trước những phán quyết trên, Trung Quốc duy trì lập trường ba không: không công nhận thẩm quyền, không tham gia và không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài. Trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục có hành động đơn phương khẳng định chủ quyền, khiến tình hình trên biển căng thẳng. Trong khu vực thì diễn ra “cuộc chiến nhận thức” - một cuộc đấu tranh để “kể” những câu chuyện làm nền tảng nhận thức cho các tranh chấp và xung đột. Trong hầu hết các vụ việc xảy ra tại Biển Đông, các bên đều kể theo một cách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Những câu chuyện mâu thuẫn đó đang đưa khu vực đến đỉnh điểm căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, không có một chuẩn mực và nguyên tắc nào phù hợp hơn đối với Biển Đông như những chuẩn mực và nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: “Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất quy định toàn diện và triệt để phạm vi quyền được hưởng vùng biển”. Việt Nam cũng cho rằng, yêu sách biển của các quốc gia thành viên UNCLOS phải phù hợp với quy định của Công ước. Các quốc gia cần tôn trọng quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với UNCLOS.
Trong những năm qua, với tư cách là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong quá trình thực thi UNCLOS. Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và đại dương, ban hành các văn bản pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch phục vụ việc sử dụng, khai thác biển hiệu quả và bền vững của đất nước.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS tại Liên hợp quốc với gần 120 quốc gia thành viên và đã tích cực điều phối các hoạt động thúc đẩy tuân thủ và bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các thủ tục xin ý kiến tư vấn Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và Tòa án công lý quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu theo luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035 với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc thúc đẩy thực thi Công ước trên phạm vi toàn cầu.
Liên quan đến những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh lập trường nguyên tắc ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đồng thời đề nghị các quốc gia liên quan thực hiện đầy đủ và thiện chí các nghĩa vụ theo UNCLOS và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như kiềm chế, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Việt Nam cũng luôn tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật về biển phù hợp với UNCLOS, đồng thời yêu cầu tôn trọng chủ quyền và các quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển khác. Đồng thời, Việt Nam khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ DOC và tích cực cùng các nước tiếp tục thảo luận, hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.