Việt Nam làm nên “phép màu châu Á” mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Truyền thông quốc tế nhận định rằng, Việt Nam đã viết tiếp câu chuyện “phép màu châu Á” khi trở thành một trong số ít nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19, có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới và khu vực, mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Truyền thông quốc tế cho rằng Việt Nam đang làm nên một phép màu châu Á trong thời kỳ hoàn toàn mới

Truyền thông quốc tế cho rằng Việt Nam đang làm nên một phép màu châu Á trong thời kỳ hoàn toàn mới

“Điểm sáng” Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 21-12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo mới nhất về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020. Theo đó, WB cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 3% năm 2020 dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua là đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Càng ấn tượng hơn khi mức tăng trưởng dương này đạt được trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4% trong năm 2020 này.

Định chế tài chính phát triển lớn nhất thế giới cho biết, khu vực kinh tế đối ngoại - động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua - đạt kết quả rất tốt kể từ khi khủng hoảng do đại dịch Covid-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến đạt mức xuất khẩu hàng hóa đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời dự trữ ngoại hối tăng trong năm 2020. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp. Báo cáo cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư và/hoặc đang dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do quốc gia này đã quản lý tốt đại dịch.

Những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ứng phó thành công và vượt qua “cú sốc toàn cầu” Covid-19, của WB cũng được các định chế tài chính lớn khác của thế giới và khu vực đưa ra trong các báo cáo, dự báo trước đó. Trong đợt tham vấn trực tuyến vào trung tuần tháng 11 vừa qua với Việt Nam, bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nhờ kiểm soát được đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 được dự báo tăng trưởng ở mức 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đáng chú ý, mới chỉ một tháng trước đó, IMF hồi tháng 10-2020 còn đưa ra nhận định là kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 1,6%, thuộc số ít quốc gia trên thế giới được dự báo tăng trưởng dương.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 công bố ngày 10-12 vừa qua cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ mức 1,8% đưa ra trước đó lên 2,3% năm 2020. ADB cho biết, sở dĩ có sự điều chỉnh này là do kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh từ 0,4% trong quý II năm 2020 lên 2,6% trong quý III, nâng mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 9 năm nay lên 2,1%.

Không chỉ đánh giá cao mức tăng trưởng dương cao hàng đầu khu vực và thế giới trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam, WB còn nhìn nhận tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khi cho rằng nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Định chế này nêu rõ, dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai dựa trên cơ sở là khủng hoảng Covid-19 dần được kiểm soát, khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.

Cùng chung sự đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, IMF cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%. Đưa ra dự báo thấp hơn nhưng ADB cũng cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,1% trong năm tới.

Một “phép màu châu Á” ở thời kỳ hoàn toàn mới

WB cho rằng, Việt Nam có kết quả phát triển kinh tế ấn tượng trong năm 2020 là nhờ khả năng điều hành của Chính phủ Việt Nam, khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Theo WB, Việt Nam không những kiềm chế được đại dịch Covid-19 bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, mà Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về thành công bước đầu trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2020 diễn ra ngày 22-12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, đó là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Phó Thủ tướng khẳng định việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái "bình thường mới" là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.

Thực tế, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư trong tình hình mới.

Chính phủ năm qua tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong trạng thái "bình thường mới”. Với quyết tâm của Chính phủ, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được đẩy mạnh với nhiều bước tiến mang tính đột phá như: Ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác… và điều này đã góp phần quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư, điểm đến của giới kinh doanh quốc tế.

“Điểm sáng” Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã được truyền thông quốc tế nhắc tới như là một sự tiếp nối của “Phép màu châu Á” khi nhiều nền kinh tế châu lục này đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong suốt các thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ trước. Ấn tương trước thành tựu của Việt Nam, tờ The New York Times (Thời báo New York) trong bài viết hồi tháng 10-2020 cho rằng, đã từ rất lâu rồi châu Á mới có thêm một quốc gia được mệnh danh là “phép màu châu Á” - đó chính là Việt Nam.

Các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc đã chủ động mở cửa đón thương mại và đầu tư, dần trở thành “đại gia” sản xuất và xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế gọi những nước này là “phép màu châu Á”. Tờ The New York Times cho rằng, Việt Nam cũng đang đi theo con đường phát triển thành công của những nước này nhưng ở thời kỳ hoàn toàn mới.