Đoàn kết nhân lên sức mạnh đẩy lùi đại dịch Covid-19

ANTD.VN - Trong khi các quốc gia ASEAN và các nước đối tác ASEAN+3 đang căng mình “chiến đấu” với đại dịch Covid-19, một sự hợp tác chặt chẽ sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết tiếp thêm sức mạnh cho mỗi quốc gia để đẩy lùi đại dịch đang hoành hành không chỉ ở khu vực mà trên toàn cầu này.

Đoàn kết nhân lên sức mạnh đẩy lùi đại dịch Covid-19 ảnh 1

Việt Nam tặng trang thiết bị y tế giúp Myanmar chống đại dịch Covid-19

“Kẻ thù chung” của ASEAN và các nước đối tác

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, hôm nay 14-4 chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19). Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tuyến với sự tham dự của các vị đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm trao đổi về tình hình đại dịch Covid-19 để cùng bàn thảo, đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt diễn ra trong bối cảnh mỗi quốc gia và cả khu vực đang phải ứng phó với đại dịch Covid-19. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với tổng số ca lây nhiễm là gần 20 nghìn và gần 550 ca tử vong (tính tới cuối giờ chiều 13-4). 

Tại một số quốc gia thành viên hiệp hội, đại dịch đã hoành hành khá nặng nề khiến hàng nghìn người mắc, hàng trăm người tử vong và vẫn đang gia tăng thêm hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày. Trong đó, Philippines hiện có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất với hơn 4.900 ca, 315 người tử vong; Malaysia gần 4.700 người mắc, 76 người tử vong; Indonesia hơn 4.500 người mắc, 399 người tử vong; Thái Lan gần 2.600 người mắc, 40 người tử vong; Singapore hơn 2.500 người mắc, 8 người tử vong; Việt Nam 265 người mắc… quốc gia ít người mắc nhất là Lào với 19 trường hợp.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động vô cùng nặng nề đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Hàng triệu người dân trong hiệp hội đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. 

Dịch bệnh cũng khiến rất nhiều hoạt động của ASEAN kể từ đầu năm 2020 đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 dự kiến ban đầu vào tháng 4 này.

Đối với 3 nước đối tác ở Đông Á, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt là tại quốc gia tâm dịch Trung Quốc, khiến hơn 82.000 người mắc, hơn 3.300 người tử vong. Đại dịch Covid-19 cũng khiến hơn 10.000 người Hàn Quốc mắc bệnh, 217 người tử vong; gần 7.400 người Nhật Bản mắc bệnh, trong đó 123 người tử vong.

Các quốc gia ASEAN cũng như các nước đối tác đã triển khai hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm ứng phó với “kẻ thù chung” Covid-19. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại quốc gia tâm dịch Trung Quốc, song còn diễn biến phức tạp, khó lường tại Hàn Quốc, Nhật Bản và nhất là tại nhiều quốc gia thành viên ASEAN với thêm hàng trăm ca nhiễm mới do lây lan trong cộng đồng mỗi ngày. 

Chung tay, thắt chặt hợp tác chống đại dịch

Chống dịch là trách nhiệm chung của từng quốc gia, từng chính phủ và các cơ chế khu vực cũng như toàn cầu. Tại các quốc gia ASEAN, chính phủ và người dân cũng đang triển khai các hành động quyết liệt để chiến đấu chống lại kẻ thù chung này. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN, trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh. Sau khi tham vấn với các Nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14-2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. 

Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tổ chức hai phiên họp ngày 20-3 và ngày 9-4 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh. Trong kênh y tế, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (các nước +3) đã được khởi động ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát. Các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng phụ trách du lịch… của ASEAN với vai trò chủ tịch của Việt Nam đều ra Tuyên bố và thống nhất các biện pháp hành động chung để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Đồng thời, ASEAN với sự chủ trì và điều phối của quốc gia Chủ tịch Việt Nam đã kịp thời tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với đại dịch Covid-19.

Nhằm hỗ trợ nỗ lực chống dịch của các thành viên hiệp hội và đối tác, ASEAN và các đối tác cần tập trung vào một số hướng giải pháp sau trong ứng phó và đẩy lùi đại dịch Covid-19, trong đó khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và WHO; chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách và hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh. 

Đi đôi với chống dịch, rất cần chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định. Bên cạnh đó, cần cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.

Không chỉ tích cực phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam dù đang tích cực triển khai chống dịch Covid-19 trong nước cũng sẻ chia, thiết thực giúp đỡ các thành viên ASEAN khác và các nước đối tác như tặng các trang thiết bị y tế cho Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar. Đặc biệt, một đóng góp rất tích cực của Việt Nam, như trang ASEAN Post ngày 9-4 đã đăng bài viết, là kêu gọi các nước thành viên hiệp hội có thể học hỏi từ phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trước dịch bệnh, lấy mô hình chống dịch của Việt Nam là một hình mẫu chống đại dịch Covid-19.