Việt Nam - EU: Đối tác vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên nền tảng phát triển hợp tác sâu rộng, chuyến thăm 3 quốc gia thành viên và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - EU phát triển thực chất và hiệu quả hơn nữa vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho cả 2 khu vực và thế giới.

Hợp tác sâu rộng, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Đại Công quốc Luxembourg. Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ cùng các hoạt động đối ngoại cấp cao với tần suất dày đặc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - EU nói riêng và ASEAN - EU nói chung thời gian qua phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nâng quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới vì sự phát triển hòa bình bền vững và thịnh vượng

Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nâng quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới vì sự phát triển hòa bình bền vững và thịnh vượng

Chuyến thăm đồng thời thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, thách thức khó lường như hiện nay. Trong đó, Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU; có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao. Chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ nước ta cũng góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và 3 nước.

Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn không ngừng tăng trưởng ấn tượng. Trên cơ sở thuận lợi của việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), kim ngạch thương mại song phương 10 tháng của năm 2022 đạt hơn 52 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 14 của EU. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết thị trường 27 quốc gia thành viên EU đều ghi nhận sự chuyển dịch tích cực. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa.

Chiều ngược lại, nhiều mặt hàng từ các thành viên EU cũng được tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam. EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD. Riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Cùng với tăng cường trao đổi kinh tế - thương mại, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực trụ cột, được cả Việt Nam và EU quan tâm thúc đẩy. Dù là quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn đặt ưu tiên cao và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU đang tích triển khai các sáng kiến hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh và năng lượng bền vững. Với sự điều phối của Anh và EU, quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng (JETP) với Việt Nam đang được Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) xem xét thiết lập. Việt Nam đã xây dựng các đầu mối chính trị cũng như cấp kỹ thuật cho việc triển khai sáng kiến này.

Việt Nam và EU đang hướng tới việc phối hợp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác. Trong đó, nhiều chiến lược của EU mới được công bố, như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cửa ngõ toàn cầu, La bàn chiến lược... đều thể hiện sự coi trọng của EU về vai trò của khu vực ASEAN và châu Á nói chung. Với tư cách là những đối tác chiến lược, Việt Nam và EU cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên cơ sở cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đối tác quan trọng của EU ở khu vực

Trong bức tranh toàn cảnh quan hệ hợp tác ASEAN - EU không ngừng phát triển cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu và được nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2020, cùng với bước tiến vượt bậc về hợp tác song phương với EU thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành một cầu nối rất quan trọng và hiệu quả, góp phần tăng cường các cơ chế hợp tác chung giữa ASEAN với EU. Trước hết, việc EVFTA được ký kết và có hiệu lực đang tạo động lực mạnh mẽ cho các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai bên, đồng thời được xem là hình mẫu để EU tiếp tục mở rộng triển khai với toàn bộ khu vực ASEAN.

Trưởng Phái đoàn EU tại ASEAN, Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh, Việt Nam hiện không chỉ là một đối tác song phương lớn mà còn là đối tác quan trọng của EU trong hợp tác với ASEAN. Theo Đại sứ Igor Driesmans, Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN mà EU có quan hệ rất chặt chẽ và khuôn khổ thể chế hợp tác EU - Việt Nam hiện “rất mạnh mẽ”. Vị đại sứ của EU tại ASEAN nêu rõ, EU và Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do và thỏa thuận này hiện đã có hiệu lực. Hai bên cũng có thỏa thuận hợp tác chính trị. Ngoài ra, EU và Việt Nam cũng có thỏa thuận hợp tác quốc phòng về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình hoặc dân sự khác ở châu Âu.

Thượng nghị sĩ Andries Gryffroy - Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa EU và ASEAN. Theo ông Andries Gryffroy, Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nền kinh tế Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và giá trị kinh tế của ASEAN với nhiều lợi thế như: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu dùng ngày càng rộng mở, nền chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách đầu tư phát triển kinh tế. Từ phân tích này, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ khẳng định, Việt Nam có vai trò quan trọng trong quan hệ giữa liên minh gồm 27 thành viên này với ASEAN.

Trong chuyến thăm được đặt nhiều kỳ vọng, Thủ tướng Chính phủ nước ta cùng người đứng đầu Chính phủ các nước Luxembourg, Hà Lan, và lãnh đạo của EU đã cùng trao đổi về những vấn đề mà họ đang quan tâm. Đó là thúc đẩy thương mại, đầu tư, liên kết kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phát triển kinh tế biển, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số.

EU đánh giá Việt Nam là một đối tác quan trọng của khu vực và đã có những thành công nhất định trong phát triển kinh tế cũng như kiểm soát đại dịch Covid-19 vừa qua. Hai bên cũng chia sẻ về những tầm nhìn, chiến lược, sáng kiến, bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm qua, cả về chiến lược về đối ngoại, cách giữ được môi trường hòa bình, ổn định về chính trị cũng như những vấn đề về kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế. Những điều này cho thấy EU thực sự coi trọng Việt Nam như một đối tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực ở khu vực.

Thành công chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thúc đẩy, nâng quan hệ hợp tác Việt Nam - EU lên một tầm cao mới, ngày càng sâu rộng và thực chất, vì sự phát triển hòa bình, bền vững và thịnh vượng của hai bên, khu vực và thế giới.