Việt Nam đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp logistic được cấp phép vận chuyển hàng sang Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với 46/63 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam đã được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép và có Bond cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đi và đến Mỹ, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á.
Ngành logistic của Việt Nam phát triển nhanh chóng

Ngành logistic của Việt Nam phát triển nhanh chóng

Theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được FMC cấp phép là 46/63 doanh nghiệp, trong khi con số này ở Singapore là 53, Malaysia là 15, Philippine là 13 và Indonesia là 12 doanh nghiệp.

Thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2018 cho thấy, Việt Nam có 29.694 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động dịch vụ logistics. Tính đến ngày 30-9-2021, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) có 515 hội viên, trong đó có 428 hội viên chính thức và 87 hội viên liên kết với 58 hội viên là doanh nghiệp FDI.

Hơn 80% hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoại trừ một số hội viên như: Transimex, Gemadept, Sotrans, Tân Cảng Sài Gòn có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và có chi nhánh hoặc đại diện ở thị trường ngoài nước.

Ngoài ra, theo VLA, các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới như: DHL, DB Schenker, Nippon Express, Sinotrans... đã có mặt tại Việt Nam. Thị phần của các doanh nghiệp logistics nước ngoài này chiếm khoảng 70-80% các dịch vụ logistics quốc tế. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ cảng biển...

Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu mỗi năm; quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn. Đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể tìm kiếm cơ hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành logistic ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong nền kinh tế. Báo cáo "Đánh giá Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Ngành Logistics tại Việt Nam" năm 2019 cho biết, ngành logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12%-14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4%-5%.

Bình quân 10 nước ASEAN, ngành logistics đóng góp vào GDP trung bình 5% ở các nước thành viên ASEAN, thu nhận 5% việc làm trong ASEAN, tỷ lệ thuê ngoài khoảng 60%-70%, chi phí logistic tương đương 16,8% GDP.