Việt Nam đi đầu trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc.

Nước đi đầu trong xóa đói giảm nghèo

Trong buổi gặp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Đặng Hoàng Giang hôm 16-11, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho biết, nhiều nước coi Việt Nam là hình mẫu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trước đó, trong khuôn khổ Phiên đối thoại giữa các quốc gia với các Điều phối viên thường trú LHQ trên toàn cầu, bà Pauline Tamesis đã có phần trình bày về thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang và bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong cuộc gặp ngày 16-11

Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang và bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong cuộc gặp ngày 16-11

Phát triển bền vững là một khái niệm được định nghĩa là “phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm hại khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ”. Năm 2015, LHQ thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó xác định 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.

Ở Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm cùng quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu gắn với năng suất lao động, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ngày 10-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.

Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong đảm bảo an sinh xã hội. Ấn tượng nhất là giai đoạn 2016 - 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống còn 4,3%. Ông Johnathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: “Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi thước đo nghèo dựa trên thu nhập sang một thước đo nghèo đa chiều”.

Việt Nam cũng đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện 5 mục tiêu phát triển bền vững khác. Số hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 93,4% lên 98,3%; tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận năng lượng, phủ sóng điện thoại di động; độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đạt tương ứng là 27,31% và 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và của châu Á.

Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cam kết về biến đổi khí hậu thông qua xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26).

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 30 đối tác quan trọng, trong đó có 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm. Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư an toàn và lần đầu tiên được Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển đưa vào danh sách nhóm 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới với hơn 34 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 430 tỷ USD.

Trên cơ sở thành tựu đạt được, ngày 14-7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 841/QĐ-TTg năm 2023 ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, 17 mục tiêu thực hiện phát triển bền vững đến năm 2030 được cụ thể hóa rõ ràng, bao gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người…

Tích cực thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc

Không chỉ là một trong những quốc gia đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đưa ra, Việt Nam còn tích cực thúc đẩy cải tổ hệ thống phát triển LHQ. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp LHQ thành một tổ chức mạnh hơn và hiệu quả hơn, có thể thực hiện vai trò quan trọng của mình là đáp ứng lợi ích và mối quan tâm của các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế.

Từ năm 2007, Việt Nam là một trong 8 nước tham gia thí điểm thực hiện Sáng kiến thống nhất hành động (DaO) nhằm tăng cường sự gắn kết, hiệu quả và phù hợp của hệ thống LHQ. Các quốc gia thí điểm và văn phòng LHQ tại các quốc gia đã cùng thực hiện một nhiệm vụ mang nhiều tham vọng, đó là lần đầu tiên thay đổi và làm rõ hiệu quả của việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thuộc hệ thống LHQ tại cùng quốc gia, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm chính là: chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công.

Một cấu phần quan trọng của “Sáng kiến thống nhất hành động - Một LHQ là một ngôi nhà chung” đã được hiện thực hóa ở Việt Nam bằng việc xây dựng Ngôi nhà xanh chung LHQ tại Hà Nội. Đây là ngôi nhà chung LHQ đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon thăm Việt Nam vào tháng 5-2015.

Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào việc cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ. Để cơ quan quyền lực này hoạt động hiệu quả, thích nghi và phù hợp với thực tế hiện nay, Việt Nam cho rằng Hội đồng bảo an cần mở rộng thành viên, cả thường trực và không thường trực, tăng số ghế cho các khu vực và nhóm nước chưa được đại diện một cách tương xứng, nhất là các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương. Hội đồng Bảo an cũng cần cải tiến phương pháp làm việc để bảo đảm tính dân chủ, minh bạch và hiệu lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Các cuộc họp công khai cần được tổ chức thường xuyên hơn, trong khi các cuộc họp và tham vấn kín cần hạn chế ở mức tối thiểu. Việc sử dụng quyền phủ quyết cần giới hạn trong phạm vi các biện pháp được quy định tại Chương VII của Hiến chương LHQ.

Liên quan đến hoạt động của Đại hội đồng LHQ, Việt Nam cho rằng vai trò của Đại hội đồng LHQ trong các vấn đề hòa bình và an ninh cần được tăng cường theo Hiến chương LHQ, củng cố quan hệ giữa Đại hội đồng và các cơ quan chủ đạo khác của LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an. Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần bảo đảm nguyên tắc minh bạch, bao trùm trong các hoạt động. Các cuộc thảo luận của Đại hội đồng LHQ cần đạt các kết quả cụ thể và mang tính hành động, có tính trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của các nước thành viên.