Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

ANTD.VN - Cùng trao đổi, thống nhất để đưa ra những phương hướng lớn và sự hợp tác cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu - thách thức nóng bỏng trên toàn cầu hiện nay - là một nội dung quan trọng tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần thứ hai diễn ra tại Washington trong các ngày 12 và 13-5.

Mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng với ASEAN

Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách trong bối cảnh thế giới nỗ lực thoát ra khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và bất ổn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine mang lại. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến phục hồi sau đại dịch, sức khỏe người dân, thúc đẩy tăng trưởng rộng khắp, an ninh hàng hải, phát triển nguồn lực con người, tăng cường hợp tác nhân dân... Trong đó, chống biến đổi khí hậu là một nội dung quan trọng mà các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ sẽ chia sẻ quan điểm, tầm nhìn để cùng đưa ra những phương hướng, giải pháp hợp tác nhằm ứng phó với thách thức chung đang nổi lên ngày càng gay gắt.

Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững

Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững

Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ASEAN hiện đang đứng trước các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu như nước biển dâng, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nông nghiệp và sản xuất lương thực, lũ lụt bất thường và nghiêm trọng ở khu vực Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), Thái Lan, Philippines...

Một báo cáo của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU - Singapore) và Đại học Glasgow (Anh) công bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cho biết, khoảng 600 triệu người dân trong khu vực Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ phải chịu đựng thời tiết nóng bức hơn, các đợt gió mùa kéo dài hơn, hạn hán gia tăng, do nhiệt độ toàn cầu trong 20 năm tới được dự báo sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mực nước biển dâng cao cũng ảnh hưởng đến người dân ASEAN do khu vực này có rất nhiều người sống ở các vùng ven biển.

Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu (tính toán tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan) cho thấy, những thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ, sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với hệ sinh thái và các hoạt động nông nghiệp của ASEAN. Trong khi đó, một báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc về châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) cho biết, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể khiến 96% số người dân trong khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi hạn hán và 64% bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, mưa lũ tác động đến ngành nông nghiệp bằng cách gây hư hại tài sản và dòng chảy kinh tế nông nghiệp, trong đó lũ lụt là một nguy cơ lớn với khu vực Đông Nam Á. Báo cáo công bố tại COP26 cho rằng, đến năm 2050, mức tăng trưởng GDP của ASEAN có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên tác động nghiêm trọng đến các ngành chủ chốt như nông nghiệp, du lịch và ngư nghiệp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và năng suất lao động.

Ứng phó với biến đổi khí hậu vì thế là một ưu tiên ngày càng cấp bách với các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, do nguồn lực của nhiều thành viên hiệp hội còn hạn chế, ASEAN luôn chú trọng hợp tác với các đối tác lớn, phát triển trên toàn cầu để chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu nhiều nhất những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, ASEAN rất coi trọng sự hợp tác với Mỹ - một cường quốc và một đối tác chiến lược của ASEAN. Sự hợp tác này được trông đợi đưa ra bàn thảo nhằm nâng tầm tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần thứ hai.

Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu

Là một thành viên ASEAN có bờ biển dài hơn 3.000km cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh các nỗ lực, sự chủ động dựa vào sức mình là chính để chống biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu, Việt Nam cũng rất coi trọng hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với thách thức chung toàn cầu, trong đó có những đối tác quan trọng ở khu vực như các thành viên ASEAN và trên thế giới như Mỹ.

Thời gian qua, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng ở Việt Nam ngày càng dày hơn so với trước. Ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019 - 2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 35 - 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%.

Bão lớn cấp 4, cấp 5 diễn ra thường xuyên hơn trong vòng 35 năm trở lại đây đã dịch chuyển dần xuống phía Nam. Tác động do biến đổi khí hậu trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Rõ ràng, biến đổi khí hậu đe dọa tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu chúng ta không có một kế hoạch tổng thể để thích ứng.

Những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo tính toán, đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100cm thì 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập lụt (riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng). Chính vì thế, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp kiềm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất. Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” với các mục tiêu đưa Việt Nam đi tắt đón đầ, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết mạnh mẽ đó đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều này thêm một lần nữa được minh chứng qua sự tham gia của người đứng đầu Chính phủ nước ta tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ trao đổi nhiều vấn đề hợp tác quan trọng, trong đó có chống biến đổi khí hậu.