Việc giảm thuế xăng dầu là hợp lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (4-4) đánh giá, việc giảm thuế các mặt hàng xăng dầu trong năm qua là phản ứng chính sách hợp lý.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật vẫn chồng chéo, đặt thêm điều kiện kinh doanh

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật vẫn chồng chéo, đặt thêm điều kiện kinh doanh

Năm 2022, giá năng lượng trên thế giới tăng vọt do lạm phát tại các nước phát triển và cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine. Nhằm kiềm chế giá xăng trong nước tăng quá mạnh gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ đã ngay lập tức có nhiều biện pháp cắt giảm các loại thuế đối với xăng dầu, gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, đầu tháng 3-2022, 2 tuần sau khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã có biện pháp ứng phó là trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giảm ngay mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) nằm trong khung. Đây là loại thuế có thể giảm ngay lập tức vì thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cần sự xem xét và quyết định của Quốc hội; thuế nhập khẩu mặc dù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng nếu điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện một số cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đối với thuế BVMT, trong năm 2022, UBTVQH đã 2 lần giảm loại thuế này do giá xăng dầu của thế giới liên tục tăng: lần thứ nhất, giảm 50% (từ 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít), áp dụng từ tháng 4 đến hết tháng 12-2022;

Lần thứ hai, giảm xuống mức sàn (từ 2.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít). Các Nghị quyết này đều được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn.

Cuối tháng 12-2022, UBTVQH đã quyết định mức thuế BVMT đối với xăng dầu là 50% mức trần trong năm 2023.

Đối với thuế nhập khẩu, Chính phủ cũng đã giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ mức 20% về mức 10%. Thuế nhập khẩu xăng có hai mức, mức 8% áp dụng cho các quốc gia mà Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: các nước ASEAN, Hàn Quốc và mức MFN 20% áp dụng cho hầu hết các nước khác.

Theo VCCI, trên thực tế, các doanh nghiệp chọn mua của các nước có mức thuế 8%. Như vậy, biện pháp giảm thuế từ MFN từ 20% về 10% cũng không làm thay đổi về nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng nhập khẩu. Biện pháp này chỉ có tác dụng giúp các doanh nghiệp có thể đa dạng hoá nguồn hàng trong bối cảnh thế giới khó lường. Việc duy trì mức thuế MFN 10% giúp duy trì đòn bẩy của Việt Nam khi đàm phán các FTA mới.

“Tóm lại, việc giảm thuế đối với xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao là một phản ứng chính sách hợp lý. Ngân sách không bị hụt thu quá nhiều do khi giá xăng dầu lên nguồn thu từ dầu thô cũng tăng và có thể phần nào bù đắp cho khoản giảm thu thuế. Đối với một số mặt hàng có giá thường biến động mạnh như xăng dầu thì rất cần các phản ứng chính sách linh hoạt”- đại diện nhóm nghiên cứu VCCI cho hay.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, tiền thuế BVMT xăng dầu được cơ cấu nằm trong giá bán sản phẩm. Do đó, việc điều chỉnh mức thuế này dẫn đến giá xăng dầu giảm tương ứng phần thuế được giảm. Từ đó kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

“Việc giảm thuế với các mặt hàng xăng dầu vừa qua là cú hích rất mạnh giúp doanh nghiệp, người dân giảm áp lực tăng giá, giảm áp lực lạm phát, bình ổn giá thị trường”- bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát pháp luật kinh doanh của VCCI cho thấy, tại nhiều lĩnh vực, các bộ, ngành vẫn ban hành quá nhiều văn bản đặt thêm điều kiện kinh doanh, chồng chéo về nội dung hoặc nội dung không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực thi.

Đáng chú ý, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 636 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 12 luật của Quốc hội, 3 pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ trưởng.

So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, báo cáo cho biết khối lượng công việc trong thực tế không giảm đi so với các năm trước.