Vì sao SSO trở thành lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất của Nga?

ANTD.VN - Ngày 27-02-2019, nước Nga tổ chức kỷ niệm Ngày Lực lượng đặc nhiệm quân đội (SSO) - được thành lập từ 4 năm trước theo sắc lệnh số 103 ngày 26-2-2015 của Tổng thống V. Putin, đóng vai trò to lớn vào những thắng lợi của Nga tại các chiến trường Ukraine và Syria. 

Nguồn gốc, quá trình hình thành của SSO

Sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), lực lượng đặc nhiệm Nga đã trải qua nhiều lần cải tổ. Đầu tiên là việc thành lập trung tâm huấn luyện lực lượng đặc nhiệm chuyên nghiệp mang phiên hiệu "Trung tâm 92154" vào ngày 5-3-1999, đặt dưới sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Cục trưởng Cục tham mưu Tình báo quân đội.

Trung tâm 92154 còn có tên gọi khác là "Senezh Lake", do trụ sở đóng quân gần hồ Senezh nổi tiếng của Nga (thuộc thành phố Solnechnogorsk). Sau khi Trung tâm được thành lập, những quân nhân tốt nghiệp đã lần lượt tham gia chiến đấu tại các chiến trường, trong đó có chiến trường Chechnya. Các thành viên thuộc Trung tâm 92154 đã có những đóng góp to lớn vào chiến thắng của các chiến dịch quân sự của Nga tại Chechnya.

Năm 2009, Quân đội Nga bắt đầu thực hiện chương trình cải cách toàn diện lực lượng vũ trang. Trên cơ sở lực lượng khung của Trung tâm 92154, Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập lực lượng đặc nhiệm thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng Tham mưu trưởng, nhằm nâng cao khả năng chỉ huy, kiểm soát tập trung đối với lực lượng đặc nhiệm.

Ngày 7-4-2011, Bộ Quốc phòng Nga quyết định thành lập thêm Trung tâm tác chiến đặc biệt số 02, thuộc quyền chỉ huy của Cục Tham mưu Tình báo quân đội (GRU).

So với Trung tâm số 92154, Trung tâm tác chiến đặc biệt số 02 có thành phần quân số tương đối khác biệt, với các quân nhân chủ yếu xuất thân từ Cục An ninh Liên bang.

Ngày 1-4-2012, theo đề xuất của Đại tướng N. Makarov, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga lúc đó, lực lượng chỉ huy tác chiến đặc biệt được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt (KSSO), mang phiên hiệu 99450.

Ngày 6-3-2013, sau khi tiếp nhận cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng V. Gerasimov chính thức tuyên bố thực hiện chương trình cải tổ đối với lực lượng đặc nhiệm Nga (SSO).

Một binh sỹ đặc nhiệm SSO

Ngày 15-3-2013, Trung tâm tác chiến đặc biệt số 02 cũng được đưa vào biên chế thành phần lực lượng đặc nhiệm Nga, đồng thời chính thức trở thành một phần của Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt.

Cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ chính

Những năm gần đây, lực lượng đặc nhiệm Nga không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, huấn luyện chiến đấu và đã nâng cao đáng kể trình độ và khả năng tác chiến.

SSO trong thời bình bao gồm các chức năng: (1) Bảo vệ công dân Nga ở nước ngoài; (2) Bảo vệ hoạt động sơ tán đối với nhân viên đại sứ quán và các nhân vật quan trọng; (3) Tiến hành các cuộc tấn công và bắt giữ các phần tử khủng bố hoặc nhân vật chống đối quan trọng; (4) Phòng chống các hoạt động của tổ chức kích động chống đối chính phủ; (5) Làm thất bại các âm mưu đảo chính gây mất ổn định an ninh quốc gia; (6) Thu thập thông tin bình báo; (7) Tiến hành các hành động tình báo; (8) Thực hiện các hoạt động tác chiến, đột kích, các hoạt động tác chiến đặc biệt thông qua sử dụng các khí tài kỹ thuật, trang thiết bị đặc biệt tại các khu vực nhất định khi có lệnh truyền xuống; (9) Ngăn chặn các thông tin hoặc dư luận xấu, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia; (10) Thực hiện  các hoạt động tâm lý chiến; (11) Vô hiệu hóa, làm thất bại các âm mưu, hoạt động phá hoại đối với cơ quan chỉ huy cấp quốc gia; (12) Tuyên truyền thông tin giả để đánh lừa đối phương trong trường hợp cho phép.

Nhiệm vụ của lực lượng SSO rất đa dạng: Chống khủng bố, tham chiến trong điều kiện xung đột vũ trang, ngăn chặn những mối đe dọa nguy hiểm

Trong thời chiến, SSO có nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Phá hoại hoặc đánh chiếm các mục tiêu quân sự, công nghiệp quan trọng của đối phương; (2) Phá hoại các tuyến đường giao thông, hệ thống chỉ huy quân sự và quốc gia, hệ thống bảo đảm hậu cần kỹ thuật của đối phương; (3) Chỉ điểm các mục tiêu quan trọng để lực lượng tên lửa chiến lược và pháo binh tiến công tiêu diệt; (4) Thu thập thông tin tình báo liên quan đến hoạt động quân sự, lực lượng của đối phương tại các khu vực trọng yếu; (5) Bí mật xâm nhập khu vực hậu phương của đối phương để thu thập thông tin, tài liệu, vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự quan trọng; (6) Phá hoạt hoặc làm mất tinh thần chiến đấu của dân chúng hoặc lực lượng vũ trang đối phương.

Lực lượng đặc nhiệm SSO tác chiến tại Syria

Qua nhiều lần điều chỉnh tổ chức biên chế, hiện nay, SSO được tổ chức tương đối hoàn thiện, khả năng tác chiến ngày càng được nâng cao. Tổ chức biên chế của SSO hiện nay gồm: (1) Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt (có trụ sở đóng tại Solnechnogersk gần thủ đô Moscow, là cơ quan chỉ huy tác chiến cao nhất của SSO); (2) Hai Trung tâm nhiệm vụ đặc biệt: Trung tâm thứ nhất mang phiên hiệu 92154 (Senezh Lake) và trung tâm thứ hai mang phiên hiệu 10355, có trụ sở đóng tại thành phố Odintsovo, ngoại ô Moscow, có chức năng nhiệm vụ giống với Trung tâm 92154; (3) Trung tâm tác chiến đặc biệt, mang phiên hiệu 43292, có trụ sở đóng quân tại thành phố Solnechnogersk, có nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho lực lượng đặc nhiệm chuyên nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các chương trình huấn luyện kỹ năng cho một lực lượng khác trong Quân đội Nga. Trung tâm được trang bị, biên chế nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại mang tính đặc chủng.

Quy trình tuyển chọn đặc biệt

Nguồn tuyển chọn chủ yếu của lực lượng đặc nhiệm là từ các đơn vị đổ bộ đột kích và một số phân đội làm nhiệm vụ tác chiến đặc biệt thuộc các quân khu, bao gồm các thành phần thuộc tăng thiết giáp, pháo binh, bộ binh, phòng không và biên phòng.

Phương thức tuyển chọn binh sỹ đặc nhiệm cũng khá đặc biệt. Các ứng viên tự nhận thấy mình đủ tiêu chuẩn có thể tự nộp đơn hoặc thông qua cuộc thi sơ tuyển của hội đồng tuyển chọn để đăng ký. 09 giờ ngày 15 hàng tháng được coi là "Ngày tuyển binh".

SSO có thể giúp Nga giải quyết các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ trong khuôn khổ các biện pháp của Liên Hợp Quốc

Theo đó, người tự nguyện tham gia ứng tuyển có thể thử sức thông qua các bài thi gồm 3 phần: (1) Thi thể chất (các ứng viên phải hoàn thành nội dung chạy việt dã 3.000m, chạy nhanh 100m và lên xà đơn); (2) Thi kỹ năng hành động; (3) Kiểm tra y tế.

Binh sỹ SSO không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng quân sự, mà còn phải có bằng cấp trình độ chuyên môn, thông thạo ít nhất một loại ngoại ngữ. Cục trưởng Cục Tham mưu Tình báo Quân đội Nga cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với thành viên của SSO là phải có tư duy chiến đấu tốt. Điều đó, đòi hỏi binh sỹ đặc nhieemju nói chung và binh sỹ trinh sát đặc nhiệm nói riêng phải có trí tuệ và kỹ năng giỏi".

Một binh sỹ đặc nhiệm Nga tại Ucraina

Trong huấn luyện, lực lượng đặc nhiệm Nga đặc biệt chú trọng nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng theo tổ, đội. Binh sỹ đặc nhiệm được huấn luyện chuyên nghiệp, trong khi sỹ quan chỉ huy, trinh sát tác chiến đặc nhiệm được đào tạo, huấn luyện tại Học viện chỉ huy đổ bộ đường không (RVVDKU) và một số trường chỉ huy, trinh sát tác chiến đặc nhiệm khác trong toàn quân.

Suốt quá trình hình hành và phát triển đến nay, lực lượng đặc nhiệm Nga đã hoạt động rất hiệu quả, trở thành lực lượng tác chiến nòng cốt trong các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt. Thành tích chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm trong các chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và Syria vừa qua tiếp tục khẳng định vai trò không thể thiếu của lực lượng này.