Vì sao Quân ủy Trung ương Trung Quốc có 2 tướng Không quân?

ANTĐ - Việc bổ nhiệm một vị tướng Không quân vào Quân ủy Trung ương có ý nghĩa như thế nào đối với Không quân Trung Quốc?

Tác giả Oriana Skylar Mastro, nghiên cứu sinh tại Trung tâm An ninh nước Mỹ mới và tiến sĩ Michael S. Chase tại ĐH Hải quân Mỹ đã đưa ra quan điểm riêng về vấn đề trên, trong một bài viết đăng trên mạng The Diplomat, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quyết định này của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Dưới đây là bài viết của 2 tác giả:

Cùng với quá trình lớn mạnh và ra tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc, một câu hỏi lớn đặt ra rằng Trung Quốc sẽ hành xử ra sao với vai trò là một trong những người định đoạt những vấn đề lớn của thế giới. Dù hiện nay Trung Quốc chưa thực sự có những hành động phô trương “vị thế” của mình nhưng khi “lợi ích toàn cầu” của nước này đang lớn lên từng ngày thì nhu cầu “tự vệ” của Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ tăng lên. Đó là lý do Trung Quốc sẽ đổ tiền vào phát triển không quân và hải quân tăng cường kiểm soát các vùng biên giới, vươn ra Thái Bình Dương và các khu vực lân cận.
Trong xu hướng đó, hai tướng Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng vừa được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC), một trong những chức vụ quan trọng nhất có tầm ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của lực lượng quân đội Trung Quốc.

Tướng Phạm Trường Long (trái) và Hứa Kỳ Lượng (phải).
Tướng Phạm Trường Long (trái) và Hứa Kỳ Lượng (phải).


Việc tướng Hứa Kỳ Lượng được thăng chức cho thấy quyền lợi của PLAAF sẽ được tăng cao hơn so với quá khứ khi tướng Hứa không phải vị tướng không quân duy nhất trong CMC. Trước đó, Tướng Mã Hiểu Thiên – tân tư lệnh PLAAF cũng nắm giữ một vị trí trong CMC. Đây là lần đầu tiên, 2 vị tướng của PLAAF nắm giữ vị trí quan trọng trong lịch sử CMC, cơ quan quyền lực tối cao của PLA. Việc bổ nhiệm tướng Hứa Kỳ Lượng có vẻ dễ hiểu.
Thứ nhất, tướng Hứa Kỳ Lượng vốn đã nổi danh trước đây với vị thế quan trọng và chức vụ cao, một tướng có tầm nhìn hiện đại và có năng lực trong Không quân của Trung Quốc (PLAAF).
Thứ hai, tướng Hứa Kỳ Lượng là trường hợp sĩ quan cấp tướng của không quân đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ Phó chủ tịch CMC. Trước đây, chức vụ này thường do các tướng thuộc lực lượng lục quân đảm nhiệm.
Trường hợp bổ nhiệm tướng Hứa Kỳ Lượng thể hiện rõ khát vọng hiện đại hóa quân sự theo kiểu phương Tây của Trung Quốc và xây dựng những chiến lược hợp lý, hiệu quả hơn nhằm phát triền Không quân, Hải Quân (PLAN) và lực lượng Pháo binh số 2 (tên lửa chiến lược) của Quân đội Trung Quốc.
Với vị trí hiện tại, tướng Hứa Kỳ Lượng có thể dùng quyền lực của mình để bảo trợ và tác động nhiều hơn nhằm thực hiện các mục tiêu của mình. Những kinh nghiệm khi còn nắm quyền chỉ huy ở PLAAF có thể là kim chỉ nam cho lực lượng này trong tương lai.
Nắm quyền lãnh đạo PLAAF từ năm 2007 đến 2012, tướng Hứa Kỳ Lượng là người đã trực tiếp thực thi quá trình chuyển đổi lực lượng này từ kiểu tập trung phòng thủ truyền thống sang mô hình có tầm hoạt động rộng hơn, chủ động hơn trong tấn công, tăng khả năng phòng thủ và không ngừng mở rộng phạm vi kiểm soát không gian.
Tướng Hứa Kỳ Lượng từng tuyên bố: PLAAF phải trở thành “một thanh gươm sắc, đồng thời cũng là một tấm khiên dày trong tay người chiến thắng” trong các cuộc chiến nhằm bảo vệ “lợi ích của Trung Quốc”.
Trong thời gian tướng Hứa Kỳ Lượng làm lãnh đạo, PLAAF có nhiều tiến bộ rõ rệt như thử nghiệm các thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới như J-20, J-31 cũng như phát triển nhiều hệ thống thông minh khác như hệ thống cảnh báo sớm, giám sát, trinh thám, phòng không và khả năng không vận chiến lược... Tướng Hứa Kỳ Lượng cũng rất chú ý vào lĩnh vực bảo vệ không gian của Trung Quốc bằng các chương trình như chống vệ tinh và khả năng kiểm soát không gian.
Mục tiêu của tướng Hứa Kỳ Lượng là Trung Quốc có đủ khả năng để dùng vùng không gian của mình trong khi hạn chế hoặc từ chối đối thủ thâm nhập vào vùng không gian này.
Sự bổ nhiệm tướng Hứa Kỳ Lượng cho cho thấy nỗ lực hiện đại hóa PLA: Tăng khả năng kiểm soát không gian nhằm kiểm soát an ninh khu vực, quan hệ Trung – Mỹ cũng như khả năng bảo vệ lợi ích của mình trên trường quốc tế.