Vì sao Nga cương quyết không đàm phán với Ukraine?

ANTĐ - Tổng thống Nga và Hoa Kỳ đã điện đàm về tình hình ở Ukraine, nhưng không đạt được sự đồng thuận trong cách tiếp cận, đánh giá nguyên nhân cuộc khủng hoảng cũng như tình hình hiện nay. Nga đã không đồng ý với gợi ý của Mỹ là nên đàm phán với Kiev, vì Moscow không thừa nhận sự hợp pháp của chính quyền này.

Ngày 6-3, Quốc hội Crimea đã thông qua quyết định mang tính nguyên tắc là sáp nhập nước Cộng hòa tự trị này vào lãnh thổ Nga. Vấn đề sẽ được đưa ra cuộc trưng cầu ý dân ngày 16-3. Kiev tuyên bố coi đó là một động thái bất hợp pháp, Mỹ và phương Tây cũng lên tiếng chỉ trích hành động này của Quốc hội Crimea.

Hai ông Putin và Obama đã không thể thống nhất ý kiến về những yếu tố then chốt của tình hình căng thẳng ở Ukraine. Đặc biệt, Tổng thống Nga lưu ý việc nhà cầm quyền Ukraine hiện nay là kết quả của cuộc đảo chính vi hiến, họ lập tức áp đặt những quyết định phi pháp với các khu vực phía đông, đông nam và Crimea. Đồng thời, ông Putin nhấn mạnh rằng Moscow không thể bỏ qua sự cầu cứu hỗ trợ và đang hành động phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Ông Obama cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine và nói Moscow cùng với Kiev "nên đàm phán trực tiếp dưới sự hợp tác của các trung gian quốc tế". Tổng thống Nga đã cho biết ông không có đối tác đàm phán hợp pháp ở Ukraine.

Phó Giám đốc “Viện các nước CIS”, ông Igor Shishkin nhận xét, quan hệ với những người làm đảo chính có nghĩa là một sự đầu hàng. “Lý do Mỹ nhấn mạnh đàm phán là rất rõ ràng. Họ cần hợp pháp hóa nhà cầm quyền (ở Kiev hiện nay) vốn lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Bây giờ đã lộ rõ là Hoa Kỳ đã đứng sau cuộc đảo chính này, tất cả các quyết định được thực hiện trước hết tại Đại sứ quán Mỹ, sau đó mới đến lượt “cái gọi là” các vị bộ trưởng, quyền tổng thống và thủ tướng”. 

Vì sao Nga cương quyết không đàm phán với Ukraine? ảnh 1

Nga không công nhận chính quyền mới của Kiev, ngược lại Mỹ phản đối
quyết định sát nhập vào Nga của Crimea

Ông Shishkin cho biết thêm, Liên minh châu Âu cũng không chịu chậm chân, họ vội vã nhập cuộc và thừa nhận chính quyền Kiev. Tuy nhiên, không có sự công nhận của Nga tất cả sẽ vẫn ở trong “tình trạng lấp lửng”. Nếu Nga chấp nhận đàm phán có nghĩa là Moscow đã công nhận những người đảo chính là chính quyền hợp pháp.

Điều đó sẽ là sự phản bội lợi ích của những người dân Ukraine đã đề nghị Nga giúp đỡ và đang đấu tranh với chính quyền mới. Ngày càng nhiều khu vực ở phía đông và phía nam tích cực tham gia phong trào. Đáp lại sự bất bình của nhiều khu vực, Kiev cáo buộc các chính quyền địa phương hành động trái luật pháp và truy tố những nhân vật dẫn đầu.

Không có gì lạ khi chính quyền ở Kiev cũng gọi ​​quyết định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16-3 tới đây của Crimea và Sevastopol là phi pháp. Mặc dù ở Crimea không diễn ra bất kỳ cuộc đảo chính nào, chính phủ vẫn hoàn toàn hợp pháp và thông qua những quyết định nằm trong phạm vi thẩm quyền, được nhân dân công nhận và ủng hộ.

Các nghị sĩ Nga đang duy trì thảo luận về tình hình bên trong và xung quanh bán đảo Crimea với các đại biểu của hội đồng tối cao nước cộng hòa tự trị này. Trước đó, đại diện các đảng phái khác nhau trong Duma quốc gia Nga và thượng nghị sĩ Nga đã lên tiếng ủng hộ quyền tự quyết và nguyện vọng tự do của người Crimea, đồng thời thông báo dự định cử quan sát viên tới cuộc trưng cầu dân ý.