Vì sao năm 2022 hàng không bay nhiều mà các hãng vẫn báo lỗ “khủng”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kết quả sản xuất kinh doanh cuối năm 2022 nhiều hãng hàng không Việt Nam từ Vietnam Airlines đến Vietjet Air đều báo lỗ "khủng", trong khi tốc độ hồi phục thị trường hàng không nội địa đứng đầu thế giới. 

Anh cả, anh hai đều lỗ lớn

Năm 2022, hàng không Việt Nam ghi nhận tốc độ hồi phục đứng đầu thế giới sau 2 năm liêu xiêu vì đại dịch Covid-19. Các dịp cao điểm Hè, nghỉ lễ, số lượng khách nội địa đi lại đều tăng trưởng mạnh, thậm chí có thời điểm vượt cùng kỳ 2019. Tuy vậy, kết quả sản xuất kinh doanh cuối năm 2022 đều ghi nhận lỗ, từ Vietnam Airlines đến Vietjet Air.

Báo cáo về tình hình phục hồi của thị trường hàng không Việt Nam từ giữa năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, thị trường nội địa bắt đầu hồi phục từ tháng 4/20222, tăng trưởng trở lại vào tháng 5/2022 và có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 6/2022, theo đó, thị trường nội địa tháng 6/2022 đạt 5 triệu khách, tăng 20,9% so tháng 5/2022 và tăng 38,8% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm Hè trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6/2022 đều rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng.

Điều này cho thấy, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2022.

Dù vậy, báo cáo tài chính năm 2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải 51.464 tỷ đồng. Con số này lớn hơn cả hai năm 2020 và 2021 cộng lại và tương đương 70% mức trước dịch. Thế nhưng, hãng hàng không quốc gia vẫn lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 34.000 tỷ đồng.

Dòng người chen chúc tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022

Dòng người chen chúc tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022

Tương tự, báo cáo tài chính công ty mẹ Vietjet cho thấy, doanh thu thuần trong quý cuối năm tăng gấp hơn 2,7 lần, nhưng hãng vẫn lỗ gộp khoảng 3.335 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietjet ghi nhận giá vốn bán hàng tăng 4,6 lần cùng kỳ, lên hơn 10.680 tỷ, trong đó chi phí khai thác thác bay chiếm hơn 98% với 10.540 tỷ đồng.

Hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2022, Vietjet đạt doanh thu khoảng 39.340 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần năm 2021. Dù vậy, hãng bay này vẫn lỗ gộp 2.166 tỷ do giá vốn cả năm khoảng 41.500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,8 lần năm trước đó.

Trong giải trình kết quả kinh doanh quý IV/2022, lãnh đạo Vietjet cũng cho biết việc Chính phủ xem xét tháo bỏ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là rất cấp thiết nhằm giúp tăng cường nội lực, cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế tại Việt Nam dự kiến tăng mạnh năm nay.

Sân bay quốc tế Nội Bài cũng luôn trong cảnh đông đúc dịp cao điểm Hè 2022

Sân bay quốc tế Nội Bài cũng luôn trong cảnh đông đúc dịp cao điểm Hè 2022

Hai hãng bay ra đời sau - Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng khó có thể vượt khỏi vòng xoáy lỗ trong năm 2022 khi cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều báo lỗ khủng.

Chênh lệch tỷ giá, nhiên liệu và cuộc đua vé giá rẻ

Chia sẻ về nghịch lý này, đại diện một hãng hàng không cho hay, mặc dù hàng không nội địa phục hồi mạnh mẽ nhưng sau 2 năm đại dịch, các hãng đều rơi vào cảnh thiếu vốn nên ồ ạt bán vé giá rẻ, giá thấp để tăng khách hút dòng tiền. Do vậy, các hãng đều rơi vào cảnh, lượng khách thì tăng vọt nhanh nhưng doanh thu lại tăng chậm.

Thêm vào đó, chi phí cho hàng không năm 2022 quá cao, từ giá nhiên liệu đến tỷ giá USD. Các hãng hàng hàng không Việt thanh toán nợ, mua dịch vụ, nhiên liệu đa phần đều phải thanh toán bằng USD, trong khi nguồn thu vào từ bán vé máy bay là Việt Nam đồng.

Không chỉ trong nước, mà đối với các đường bay quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản… khi bán vé máy bay thì đều trả bằng đồng bản tệ, so với USD yếu hơn nên cũng gây mất giá. Đại diện Vietnam Airlines tiết lộ, riêng lỗ về tỷ giá năm 2022 hãng lên tới gần 2.500 tỷ đồng. Vietjet cũng ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện xấp xỉ 570 tỷ đồng chỉ trong quý IV, trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này chưa đến 4 tỷ đồng.

Thứ nữa là giá nhiên liệu tăng mạnh hồi đầu năm 2022 khiến các hãng hàng không đều “choáng váng”. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD một thùng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD một thùng. Theo tính toán, giá nhiên liệu bay cứ tăng 1 USD thì các hãng hàng không tốn thêm khoảng 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, thị trường quốc tế phục hồi chậm, chưa như kỳ vọng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động các hãng hàng không. Theo thống kê của Cục Hàng không, năm 2022, các hãng trong nước vận chuyển 11 triệu khách quốc tế, tăng 22 lần so với 2021, nhưng vẫn chưa bằng 30% năm 2019.

Như với thị trường Trung Quốc, đến đầu năm 2023, các hãng mới có thể dần khai thác trở lại một số đường bay thường lệ. Trước năm 2020, đây là thị trường quốc tế mang lại nguồn thu hàng đầu cho các hãng hàng không Việt Nam khi chiếm hơn 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam.