Vì sao không giảm 2% thuế VAT với tất cả các mặt hàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, nếu giảm 2% thuế VAT trong tất cả các lĩnh vực thì sẽ đơn giản hơn về thủ tục, nhưng sẽ không công bằng.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi thực hiện chính sách giảm 2% thuế Giá trị gia tăng (VAT) do phải đối chiếu các mặt hàng kinh doanh với danh mục loại trừ lên tới gần 100 trang giấy. Một số ý kiến đề xuất nên giảm thuế đồng đều với tất cả các mặt hàng để đơn giản hóa trong quá trình thực hiện.

Trả lời vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều mong mỏi giảm thuế suất thuế VAT 2% trong tất cả các lĩnh vực. Cơ quan quản lý cũng mong muốn chính sách áp dụng toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản hơn về thủ tục. Tuy nhiên, điều này sẽ là không công bằng với mọi doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, khi cơ quan soạn thảo trình xin ý kiến, có ý kiến cho rằng, một số ngành trong đại dịch không bị ảnh hưởng nên chúng ta phải loại trừ, nên cơ quan quản lý đã tiếp thu ý kiến này.

“Nếu giảm VAT mọi lĩnh vực rất đơn giản, nhưng sẽ không công bằng với mọi doanh nghiệp. Bởi có một số ngành trong đại dịch không bị ảnh hưởng như: công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ngân hàng tài chính, bất động sản... Do đó, chúng ta phải loại trừ một số ngành nghề”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Liên quan đến các chính sách giảm, giãn thuế, ông Minh cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trực tiếp chỉ đạo ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Trong đó, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính phân công chủ trì, xây dựng chính sách gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo 2 Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng thuế thu Thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022; Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng.

Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân…