Doanh nghiệp rơi vào“mớ bòng bong” điều chỉnh khi triển khai giảm thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chưa kịp vui mừng vì chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) thì doanh nghiệp đã rơi vào “mớ bòng bong” trong việc triển khai áp dụng ngay từ những ngày đầu.

Doanh nghiệp rối bời trước những vướng mắc gặp phải

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) ngày 28-1-2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%. Thời gian áp dụng từ ngày 1-2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán 2022) đến hết 31-12-2022.

Tuy nhiên, Nghị định 15 không áp dụng đồng loạt tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà đưa ra danh mục (tại 3 phụ lục lên tới gần 100 trang) loại trừ các mặt hàng không được giảm thuế. Đây chính là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp gặp khó khi triển khai áp dụng. Trong đó, khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế VAT hay không. Việc tra cứu theo mã ngành kinh doanh và mã hàng hóa tốn quá nhiều thời gian, công sức.

Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc một công ty chuyên về quà tặng cho biết, Nghị định 15 ban hành kèm 3 phụ lục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế lên tới gần 100 trang. Trong khi với đặc thù là doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm quà tặng, số mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp này lên tới trên 500 sản phẩm. Do đó, những ngày qua, kế toán công ty đã phải làm việc từ sáng đến đêm để tra xem các sản phẩm có thuộc danh mục không được giảm thuế hay không. “Việc đối chiếu hàng hóa, dịch vụ vô cùng phức tạp, trong khi thời gian áp dụng Nghị định 15 là ngay sau Tết Nguyên đán khiến doanh nghiệp bị động, gặp nhiều khó khăn.

Chủ trương giảm thuế VAT là nhằm giảm chi phí, qua đó kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhưng với cách thức triển khai như hiện nay, vô hình trung đã chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thậm chí chúng tôi đã phải điều chỉnh hàng loạt hóa đơn do đã xuất với thuế suất VAT 8%, nhưng sau đó đối chiếu mới biết sản phẩm không được giảm thuế. Chúng tôi phải huy động cả lực lượng kế toán bên ngoài để dò từng mã HS (mã phân loại hàng hóa được quốc tế quy chuẩn, dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu hàng hóa). Đó là doanh nghiệp chúng tôi lượng hàng hóa ở mức trung bình, đối với các doanh nghiệp bán lẻ, số mặt hàng lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn thì sẽ gặp vô vàn khó khăn” - bà Nga than thở.

Tương tự, anh Đinh Đức Đạt, đại diện một công ty chuyên về thiết kế, trang trí nội thất cho biết, trước đây, sau khi thi công xong, doanh nghiệp của anh chỉ phải xuất 1 hóa đơn cho phần hoàn thiện công trình, bao gồm vật tư và chi phí nhân công. Tuy nhiên, theo quy định mới, anh không rõ mình sẽ phải xuất hóa đơn với thuế suất 8% hay 10%. “Tôi có gọi điện cho cán bộ thuế thì được trả lời là phải tách hóa đơn ra, loại nào là 8%, loại nào 10%. Như vậy quá phức tạp cho doanh nghiệp, nhiều khả năng chúng tôi phải tách ra 2 hóa đơn là hàng hóa và dịch vụ. Thậm chí trong hóa đơn hàng hóa cũng phải tách ra là hàng hóa VAT 8% và hàng hóa VAT 10%” - anh Đạt chia sẻ.

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng quy định giảm thuế VAT theo Nghị định 15

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng quy định giảm thuế VAT theo Nghị định 15

Tình trạng 1 đơn hàng phải xuất 2 hóa đơn là khá phổ biến đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp sau khi được giảm thuế do tại Điều 4 Nghị định 15 quy định, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng thì không được giảm thuế VAT. Đơn cử như với các siêu thị, nhà hàng… giờ đây hầu hết sẽ phải xuất 2 hóa đơn: thực phẩm thuế VAT 8% và đồ uống thuế VAT 10%.

Cùng với đó, một số trường hợp cũng có nhiều cách hiểu trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT. Chẳng hạn, nguyên liệu đầu vào không được giảm thuế VAT nhưng sản phẩm đầu ra lại không thuộc danh mục loại trừ hoặc ngược lại, vậy doanh nghiệp có được giảm hay không? Trong khi Nghị định 15 lại quy định việc giảm thuế áp dụng thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại… Hay với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuất bản, in ấn, photocopy có được giảm hay không, khi đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì lại 8%.

Như vậy, có thể nói chủ trương giảm thuế VAT là nhằm giảm chi phí, qua đó kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhưng với cách thức triển khai như hiện nay, vô hình trung đã chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cần tháo gỡ để doanh nghiệp đỡ vất vả

Không chỉ doanh nghiệp vướng mắc mà theo phản ánh, bản thân cán bộ thuế cơ sở hiện nay cũng đang bối rối và có những cách hiểu khác nhau khi áp dụng Nghị định 15. Khi doanh nghiệp thắc mắc, đa phần nhận được câu trả lời là phải tự xác định hàng hóa, dịch vụ của mình có được giảm thuế hay không theo danh mục ban hành kèm Nghị định 15, tự kê khai, tự nộp. Nếu doanh nghiệp áp sai mức thuế sẽ bị xử phạt, truy thu.

Mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Công điện yêu cầu các Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý về việc giảm thuế VAT theo Nghị định 15. Đồng thời, bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế VAT theo quy định. Theo bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, mục đích lớn nhất của Nghị định 15 là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.

Do đó, nghị định quy định các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế VAT. Trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế VAT) từ ngày 1-2 đến hết ngày 31-12-2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 1-2-2022.

“Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, nghị định, trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cơ quan thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các hiện tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ tham mưu các biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền” - bà Hiền khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một đại diện Tổng cục Thuế cho biết, bản thân cơ quan thuế cũng đang gặp vướng mắc trong thực hiện chính sách. “Nguyên tắc là doanh nghiệp sẽ đối chiếu các mặt hàng của họ với biểu danh mục đính kèm của Nghị định 15 để biết hàng có được giảm thuế hay không. Còn nếu doanh nghiệp không biết mặt hàng mã là gì thì sẽ tra cứu theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg của Chính phủ quy định về mã ngành sản phẩm. Chúng tôi vẫn hướng dẫn doanh nghiệp như vậy, nhưng nói thật là có nhiều vướng mắc và bản thân mỗi cơ quan thuế ở cơ sở cũng có những cách hiểu khác nhau” - vị cán bộ này chia sẻ.

Cũng theo vị cán bộ này, về phía Tổng cục Thuế cũng như cơ quan thuế các cấp chỉ là đơn vị thực thi chính sách, còn đơn vị soạn thảo, đề ra chính sách là Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính). Do đó, trước những vướng mắc của doanh nghiệp, cơ quan thuế cũng chỉ biết tổng hợp lại để báo cáo Bộ Tài chính. “Có nghị định mà không có thông tư hướng dẫn nên ở đâu cũng lúng túng. Bản thân chúng tôi rất muốn Bộ Tài chính sẽ có một hướng dẫn cụ thể, chi tiết, chứ như hiện nay thì doanh nghiệp rất vất vả” - vị này nói.