- Bị thương ở tay, vẫn cố cứu sống một phụ nữ định nhảy cầu tự tử
- Tấm lòng bác sỹ giữa lằn ranh xung đột Israel-Palestine
- Vụ chìm tàu khách chấn động: Thủ tướng Trung Quốc bay tới hiện trường cứu hộ

Bác sĩ Barry Kirby
Quyết định bất ngờ
Papua New Guinea có lẽ là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với các sản phụ bởi cứ 30 ca sinh thì có 1 ca tử vong. Nhưng nhờ nỗ lực của bác sỹ Barry Kirby, 64 tuổi, người Australia, tỷ lệ đó đã giảm xuống tới 78% và bây giờ ông đang truyền kinh nghiệm cho các đồng nghiệp địa phương.
4 năm trước, Barry Kirby là người da trắng đầu tiên xuất hiện ở D’Entrecasteaux, đảo cực đông của Papua New Geanea nên những người dân da sẫm màu ở đây gọi ông là “Dim dim” – tức là người da trắng. Một ngày tháng 9-2015, bác sỹ “Dim dim” cùng y tá Kia Koupere đến thăm một gia đình mà sản phụ tên là Judith mới qua đời khi sinh con.
Bác sĩ Barry Kirby cho rằng cần điều tra vì mỗi trường hợp sẽ giúp các bác sỹ rút ra một bài học kinh nghiệm. Judith tử vong do bị xuất huyết quá nhiều và sót nhau, dù điều này có thể ngăn chặn được. Theo bác sĩ Barry, nếu cô ấy được đưa xuống trung tâm y tế kịp thời thì mọi chuyện đã không xảy ra .
Cái chết của Judith khiến Barry nhớ lại 25 năm trước khi ông mới sang Papua New Guinea làm việc. Lần đó ông đang lái xe bỗng nhìn thấy một phụ nữ bị bỏ bên lề đường. Ông đã đưa cô lên xe và lái đến bệnh viện. Người phụ nữ ốm đã vài tháng, nhưng bị dân làng cho là ma ám. Đáng tiếc, cô gái có nụ cười dễ mến đã qua đời đêm hôm đó. “Nó giống như giọt nước tràn ly. Ý định học ngành y trong tôi một thời bỗng dưng thôi thúc trở lại. Tôi quyết tâm phải đi học và sẽ trở lại để làm bác sỹ”.
Dù đã 40 tuổi nhưng người đàn ông này quay trở lại New South Wales, Australia để bắt đầu lại con đường học hành, 10 năm sau ông trở thành bác sĩ.

Một phụ nữ mới sinh bên món quà gồm những đồ thiết yếu cho trẻ sơ sinh
Những người hùng thầm lặng
Cư dân vùng này sống trên những ngôi làng trên núi xa xôi, để đến được các trung tâm y tế công cộng có khi mất cả ngày đường. Đó là chưa kể, nhiều khi phải chuyển bệnh nhân bằng thuyền qua đảo khác mới có thiết bị cấp cứu. Ví như Dio Dio là nơi hẻo lánh nhưng được coi là trung tâm y tế tại góc của hòn đảo D’Entrecasteaux. Y tá Marolyn cho biết, cô thường đến từng làng thống kê xem ai sắp sinh. Phụ nữ ở đây không được đi học, họ không biết khi nào sẽ sinh con, có khi họ sinh con trong khi làm việc trong vườn hay trên đường.
Barry Kirby và nhóm của ông thường xuyên di chuyển giữa các hòn đảo nhỏ để xử lý tình huống khẩn cấp cũng như các ca sinh nở thường kỳ. Cùng với đó là quà tặng gồm tã, xà phòng, quần áo trẻ em - những món đồ cơ bản nhưng với những phụ nữ ở đây thì không khác gì hàng quý hiếm. Chính những món quà này đã khiến số phụ nữ tới trung tâm y tế ngày càng tăng. Quà do những nhà hảo tâm Australia ủng hộ nhưng chi phí thuyền bè, nhiên liệu đi lại đều do bác sỹ “ Dim Dim” bỏ ra.
Có lần, một phụ nữ tên là Pastai được chuyển đến trạm xá gần nhất cùng với bình ô xy vì cô đang bị viêm phổi. Bệnh nhân đã được đưa đến trạm xá và đã ổn định nhưng Barry thấy cô cần được điều trị tốt hơn. Thời tiết rất xấu nhưng ông Barry cần phải đưa thai phụ vượt sông trước khi trời sáng, vì thế ông đã gọi trực thăng. Với một phụ nữ sống ở ngôi làng này, việc đi sinh bằng trực thăng quả là điều khó tưởng tượng được. Sau đó Pastai được chẩn đoán mắc bệnh lao nhưng đã có một cuộc sinh nở thành công, một bé gái khỏe mạnh đã chào đời.
Tại ngôi làng Wailagi, lớp học về sơ cứu trẻ sơ sinh đã giúp ích cho bà mẹ trẻ Josephine. Đứa bé không thở được khi chào đời nhưng nhờ được đào tạo, y tá Jerry có thể cứu sống bé. Bác sĩ Barry gọi những người như Jerry là những người hùng thầm lặng, vì nếu không có họ, các ca tử vong khi sinh còn lớn hơn nhiều. Nói về mình, ông Barry Kirby khiêm tốn: “Tôi chỉ là một bác sỹ thực thụ. Công việc của tôi là giúp các bà mẹ, vì thế tôi có thể làm bất cứ điều gì cho việc đó”.