- VFF: Kỷ luật ngay trọng tài sai phạm, giữ hình ảnh V-League
- VFF có 'đè' luật khi 'treo' sân khách với CLB Nam Định?
- Tái phạm pháo sáng chỉ bị VFF phạt mức tối thiểu
VFF "ngâm" vụ việc tới gần 1 tháng mới xử và trong quyết định kỷ luật không có nội dung cho trợ lý Yang Jae-mo được quyền khiếu nại như các án kỷ luật thường thấy (ảnh chụp màn hình) |
Quyết định kỷ luật được Ban Kỷ luật VFF công bố chiều 20-8 có nội dung: "Phạt 10 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ 2 trận kế tiếp đối với ông Yang Jae-mo - phiên dịch của CLB TP.HCM do có cử chỉ và lời nói nhằm mục đích công kích, kích động trong trận đấu với CLB Hà Nội ngày 24-7 trên sân Thống Nhất, vòng 11 V-League 2020".
Có hai điều bất thường của án kỷ luật trên. Thứ nhất, quyết định được VFF công bố không có nội dung cho phép người bị phạt được quyền khiếu nại như thường thấy. Thứ hai, án kỷ luật đươc đưa ra sau khi vi phạm diễn ra đã gần cả tháng trời.
Điều này khiến người ngoài cuộc bất ngờ, thậm chí khó hiểu, còn CLB TP.HCM bức xúc, phản ứng.
Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng yêu cầu Ban kỷ luật VFF phải đưa ra bằng chứng đủ thuyết phục, bởi ở trận này, trọng tài không phạt thẻ trợ lý Yang Jae-mo, giám sát trận đấu cũng không ghi vi phạm này trong biên bản.
"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ cho các thành viên của đội bóng khi Ban kỷ luật VFF ra án phạt không thuyết phục, không hợp lý", ông Nguyễn Hữu Thắng nói và cho biết sẽ gửi công văn kháng án.
Trợ lý Yang jae-mo nhận án kỷ luật sau gần một tháng vi phạm |
Theo tìm hiểu, sau khi kết thúc trận TP.HCM thua Hà Nội 0-3, trợ lý Yang Jae-mo đã giơ ngón tay nhắm về khu khán đài VIP, nơi có lãnh đạo VFF và Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền đang ngồi, hàm ý phản ứng về một số quyết định của trọng tài gây bất lợi cho đội nhà. Hình ảnh này được khán giả ghi lại, sau đó trở thành cơ sở để Ban Kỷ luật ra phạt "nguội".
Việc một cá nhân mắc vi phạm tại V-League, trọng tài và giám sát trận đấu bỏ qua nhưng nếu có chứng cứ từ nguồn khác, xác định đến mức phải ra án phạt nguội thì Ban Kỷ luật hoàn toàn có quyền xem xét phạt "nguội".
Tuy nhiên, điều khiến TP.HCM bức xúc, người hâm mộ bất ngờ đó là thời điểm xảy ra và hình ảnh ghi lại vi phạm của trợ lý Yang Jae-mo được lan truyền đã gần một tháng VFF mới ra án kỷ luật.
Trước đó, ngay sau trận thua CLB Hà Nội, CLB TP.HCM thông báo sẽ thôi hợp đồng với HLV Chung Hae-soung để ký hợp đồng với một HLV người Brazil, đồng nghĩa trợ lý ngôn ngữ tiếng Hàn Yang Jae-mo cũng không còn là thành viên CLB TP.HCM.
Có lẽ cũng vì lý do này mà Ban Kỷ luật VFF không xem xét phạt Yang Jae-mo, thay vì phải nghiêm khắc và xử lý rốt ráo, bởi ở thời điểm vi phạm, Yang Jae-mo vẫn là thành viên CLB TP.HCM tham dự giải. Nhưng khi CLB TP.HCM bất ngờ mời lại HLV Chung Hae-soung, kéo theo đó là phục chức trợ lý ngôn ngữ cho Yang Jae-mo, Ban Kỷ luật mới lật lại vụ việc để xử.
Trong quá khứ, Ban Kỷ luật VFF cũng từng có quyết định "khó hiểu" như vụ Samson (CLB Hà Nội) phạm lỗi thô bạo với Châu Ngọc Quang (HAGL) tại vòng 3 V-League 2017.
Ban đầu, VFF dùng mọi cách biện hộ rằng Samson không đáng xử phạt nên không xử. Tuy nhiên sau khi truyền thông và dư luận lên tiếng chỉ trích, Tổng cục TDTT yêu cầu xem xét thì ba tuần sau, Ban Kỷ luật VFF mới phạt "nguội" Samson.
Án phạt muộn màng này dẫn đến câu chuyện "dở khóc dở cười" là sau khi chơi bóng bạo lực, Samson vẫn mặc nhiên được thi đấu 2 vòng kế tiếp trước khi thụ án.Và án phạt của VFF bị đặt dấu hỏi về tính răn đe.
Tổng cục TDTT khi đó đã phê bình VFF thiếu chủ động, Ban kỷ luật chưa làm tốt nhiệm vụ của họ là giải quyết dứt điểm vụ việc thuộc thẩm quyền của mình ngay từ đầu.