VCCI: Nên xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm 2023 với một số doanh nghiệp chào bán trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường tại Việt Nam trước nay vẫn gặp tình trạng “con gà, quả trứng” nên cần thí điểm thực hiện sớm. 
Nên thí điểm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường

Nên thí điểm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường

VCCI vừa góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của Bộ Tài chính.

Liên quan đến nội dung xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, tờ trình của Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm, từ ngày 1-1-2024 sẽ thực hiện quy định này.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1-1-2023.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, thực hiện phương án này chưa đạt được mục tiêu khi sửa Nghị định 65 là tăng tính công khai, minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của trái phiếu khi minh bạch hóa hơn tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua công bố hệ số tín nhiệm, doanh nghiệp vẫn có thể chủ động, tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, quan điểm của VCCI là xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hoá thị trường, tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

“Vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng “con gà quả trứng” – khi chưa có cầu thì rất khó có cung, và khi chưa có cung thì rất khó quy định bắt buộc. Nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ ngày 1-1-2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay.

Nhưng nếu lùi thời hạn áp dụng đến 1-1-2024 thì có thể vẫn sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ”- VCCI cho biết.

Để khắc phục mâu thuẫn này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà.

VCCI gợi ý, với diện doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước, nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng mồi cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành.

Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, từ sau vụ việc Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm và khối lượng mua lại tăng. Còn từ sau khi Nghị định số 65 được ban hành và có hiệu lực (ngày 16-9-2022) đến ngày 31-11-2022, các doanh nghiệp đã phát hành được gần 7.000 tỷ đồng.

Từ tháng 9 và tháng 10 năm 2022, thị trường trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn khi hàng loạt vụ việc liên quan bị phát hiện, xử lý.