VCCI: Không nên đặt thêm điều kiện kinh doanh với vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ là hàng hóa thông thường nên không cần đặt điều kiện kinh doanh với các loại hàng hóa này.
Nên cân nhắc việc đặt điều kiện kinh doanh với vàng trang sức

Nên cân nhắc việc đặt điều kiện kinh doanh với vàng trang sức

Trả lời Công văn số 7142/BKHĐT-QLKTTW của Bộ KH-ĐT, góp ý dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), VCCI cho rằng, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục quy định chung có phạm vi rất rộng.

Điều này dẫn tới tình trạng, cơ quan quản lý sẽ xác định nhiều “ngành nghề con” khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi các “ngành nghề con” này không cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.

Ví dụ như “kinh doanh vàng” được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV Luật Đầu tư. Trong ngành nghề này có “kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nhưng vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng như các loại vàng khác trong cùng nhóm “kinh doanh vàng”. Bản thân các điều kiện kinh doanh của kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên theo VCCI, không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này.

Trên thực tế, trong quá trình thực thi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung vào dự thảo về việc đánh giá phạm vi của các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong đó thu hẹp lại phạm vi của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ví dụ như “kinh doanh vàng”, cần loại “kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ” ra khỏi phạm vi của “kinh doanh vàng”.

Về điều kiện kinh doanh, VCCI đánh giá dự thảo của Bộ KH-ĐT đã thể hiện được những bất cập, vướng mắc về điều kiện kinh doanh hiện này. Tuy nhiên, một vấn đề khá là quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh chính là thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, Bộ, cơ quan ngang Bộ không được quyền ban hành về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo rà soát sơ bộ của VCCI, tình trạng các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại khá nhiều.

“Ví dụ là các thông tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ dẫn tới tình trạng điều kiện kinh doanh không được kiểm soát chặt chẽ và khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi hơn”- VCCI nêu.

Do đó, VCCI đề nghị bổ sung vào dự thảo về tình trạng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh.

Nói thêm về nguyên tắc chung khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện đưa vào danh mục của Luật Đầu tư, VCCI nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành điều kiện kinh doanh, hoặc lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải xác định ít nhất các vấn đề sau: ngành nghề đó tác động tới lợi ích công cộng nào? Quy định điều kiện kinh doanh liệu có kiểm soát được những nguy cơ, rủi ro mà ngành nghề đó tác động tới các lợi ích công cộng đó không?

Trên thực tế, việc xác định một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay, các cơ quan soạn thảo chính sách thường ít khi giải trình với mục tiêu quản lý “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Vì vậy, nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.