Vẫn phổ biến tình trạng “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, bên cạnh những cải cách nhất định về môi trường kinh doanh thì nhiều điều kiện kinh doanh khác vẫn còn chung chung, không hợp lý, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Điều kiện kinh doanh đang "ẩn mình" trong nhiều văn bản, cản trở hoạt động của doanh nghiệp

Điều kiện kinh doanh đang "ẩn mình" trong nhiều văn bản, cản trở hoạt động của doanh nghiệp

Sáng 6-7, CIEM tổ chức hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, giai đoạn 2016-2019, Bộ KH-ĐT cùng với các bộ, ngành đã rà soát tổng thể; theo đó hầu hết các Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh) để cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh. Song trên thực tế, kết quả vẫn chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp.

“Đáng chú ý là số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Danh mục của Luật Đầu tư) giảm; nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh và vô vàn thủ tục hành chính kèm theo. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự được bảo đảm”- ông Trần Duy Đông nói.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng, môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn.

“Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp”- lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, từ năm 2020 đến nay, Chính phủ có khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh tới cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Nhờ đó, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tham gia thị trường cũng như đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Chất lượng điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi; Số lượng điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, khó tiên liệu đã giảm đáng kể so với trước năm 2017; Điều kiện kinh doanh về nhân sự, cơ sở vật chất cũng được quy định rõ và giảm mức độ đáp ứng điều kiện…

Về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, từ năm 2014, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề. Sau đó, Danh mục này được sửa đổi còn 243 ngành nghề (năm 2016) và còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020).

“Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về ĐKKD tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo Danh mục của Luật Đầu tư2020.

Ngoài ra, có một số ngành nghề được quy định tại pháp luật chuyên ngành, nhưng không thống nhất với tên quy định tại Luật Đầu tư 2020; một số ngành nghề chưa có cơ sở thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề hiện Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh;

Thậm chí, một số ngành nghề đã được bãi bỏ khỏi Danh mục của Luật Đầu tư 2020, nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành. Mặt khác, có sự không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện”- bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho hay.

Theo đại diện CIEM, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh… và do vậy tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Đồng quan điểm này, đại diện Ban Pháp chế VCCI nêu một số dẫn chứng về rào cản từ điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như trong lĩnh vực cung cấp thông tin tín dụng, Nghị định 58/2021/NĐ-CP quy định các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận trong đó yêu cầu phải có: Vốn điều lệ 30 tỷ;

Nhân sự: yêu cầu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/thành viên hợp danh; Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc;

Có tối thiểu 15 tổ chức tham gia là tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô). Các tổ chức tham gia không có cam kết cung cấp thông tin tín dụng với công ty thông tin tín dụng khác.

“Với những điều kiện này thì trong lĩnh vực cung cấp thông tin tín dụng rất ít doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường này”- đại diện VCCI nói.

Theo đại diện VCCI, các rào cản về môi trường kinh doanh hiện được “lồng ghép” trong các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, “ẩn mình” trong trong các dạng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật

“Tình trạng này đang được phản ánh khá nhiều thời gian trước. Việc “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn còn tồn tại. Điều này khiến cho việc ban hành điều kiện kinh doanh không được kiểm soát chặt chẽ và dễ dàng bị lạm dụng”- đại diện VCCI cho hay.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, Bộ KH-ĐT đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành, nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, trong đó có những rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.