Vay tiêu dùng, cẩn thận rơi vào "nợ xấu"

ANTD.VN - Chỉ cần trả chậm một khoản vay nhỏ, khách hàng có thể sẽ không được duyệt vay những khoản tín dụng sau này do “án” nợ xấu trong lịch sử tín dụng.

Những khoản vay tiêu dùng thường không nhiều nhưng nếu trả chậm, khách hàng không chỉ phải chịu lãi phạt mà còn bị “bôi đen” lịch sử tín dụng của mình, gây khó khăn cho việc tiếp cận những khoản vay sau này. 

Vay tiêu dùng, cẩn thận rơi vào "nợ xấu" ảnh 1Nếu không trả nợ đúng hạn, khách hàng sẽ bị xếp hạng tín dụng “xấu” (Ảnh minh họa)

“Dính” nợ xấu mà không biết

Em trai ra trường có nhu cầu mua xe máy đi làm nhưng chưa có tiền, chị Cao Thị Hòa (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) đã bảo lãnh cho em mua trả góp tại một đại lý xe máy. Thế nhưng, do thu nhập thấp và không chú tâm làm ăn nên người em trai không trả được khoản nợ này. Đến khi số nợ quá cao, bị công ty tài chính đòi nợ liên tục, các thành viên trong gia đình buộc phải góp tiền trả nốt số nợ này.

Cách đây 6 tháng, vợ chồng chị Hòa quyết định mua nhà trả góp. Tuy nhiên khi đến ngân hàng làm thủ tục vay tiền, chị mới ngã ngửa vì ngân hàng cho biết chị đã bị xếp vào danh sách nợ xấu nhóm 3 nên thời điểm này không thể vay khoản tiền nào của các tổ chức tín dụng. “Dù đã giải thích tôi chỉ bảo lãnh cho em vay mua xe nhưng nhân viên ngân hàng cho biết vì giấy tờ vay nợ là của tôi nên tôi đã bị lưu nợ xấu trong lịch sử tín dụng, phải ít nhất 5 năm kể từ khi trả hết khoản nợ đó tôi mới được xét duyệt khoản vay mới” - chị Hòa cho biết.

Vay tiêu dùng là phân khúc có độ rủi ro cao, càng rủi ro thì càng dễ gây nợ xấu mà nợ xấu càng nhiều thì lãi suất cho vay sẽ càng cao. Vì vậy việc thẩm định, xếp hạng tín dụng khách hàng là cần thiết để hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. 

Cũng giống như chị Hòa, nhiều khách hàng khi đi vay chỉ quan tâm đến việc vay được tiền, trả lãi mà không hề biết mọi khoản vay của mình đều được theo dõi, cập nhật trên một hệ thống mà bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng có thể sử dụng để thẩm định lịch sử tín dụng của khách hàng. Hệ thống này sẽ chấm điểm tín dụng cho từng cá nhân và chính thông số này sẽ quyết định hạn mức vay tiêu dùng, thậm chí mức lãi suất cho từng trường hợp cụ thể.

Theo Giám đốc phụ trách lĩnh vực pháp chế một công ty tài chính, việc tham khảo lịch sử xếp hạng tín dụng là rất quan trọng với các tổ chức tín dụng, đặc biệt với các khoản vay tín chấp. “Những khoản vay không có tài sản thế chấp nên mức độ rủi ro rất cao. Trong khi, thời gian duyệt khoản vay ngắn, có khi chỉ 30 phút nên đòi hỏi chúng tôi phải dựa vào hồ sơ tài chính của khách hàng, từ đó quyết định áp dụng hạn mức và mức lãi suất cụ thể cho từng trường hợp trên nguyên tắc thỏa thuận lãi suất đã được quy định tại Thông tư số 39/2016 của ngân hàng” - vị Giám đốc này cho biết.

Mọi khoản vay đều được theo dõi

Theo các chuyên gia, vay tiêu dùng là phân khúc có độ rủi ro cao, càng rủi ro thì càng dễ gây nợ xấu mà nợ xấu càng nhiều thì lãi suất cho vay sẽ càng cao. Vì vậy việc thẩm định, xếp hạng tín dụng khách hàng là cần thiết để hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, ở các nước, xếp hạng điểm tín dụng cá nhân là cơ sở để xét duyệt cho vay. Khi người dân có nhu cầu vay vốn, ngân hàng sẽ kiểm tra điểm xếp hạng tín dụng để xét duyệt cho vay rất nhanh chóng và tương đối an toàn.

Chẳng hạn, tại Mỹ, có 3 công ty xếp hạng tín dụng cùng với các tiêu chí chấm điểm để xét duyệt như nợ xấu, mức thu nhập, mức độ ổn định của thu nhập... Tất cả các ngân hàng cho vay sẽ đều gửi thông tin cho các công ty này để xếp hạng tín dụng cho khách hàng.

Ở Việt Nam, hoạt động xếp hạng tín dụng cũng đã được thực hiện nhưng chưa thực sự phát triển. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước là một trong những tổ chức thực hiện xếp hạng tín dụng lớn nhất tại Việt Nam. Việc xếp hạng tín dụng khách hàng dựa vào các thông tin về khách hàng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính... kết hợp với các kho thông tin dữ liệu của của các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ có một thông số tín dụng riêng, cập nhật tất cả những hoạt động tín dụng trong quá khứ. Từ đó, CIC sẽ chấm điểm tín dụng cho từng cá nhân, và thông số này sẽ quyết định hạn mức cho vay, thậm chí lãi suất đối với từng người. Điều này có nghĩa, nếu khách hàng không hoàn thành đúng nghĩa vụ trả nợ, dù là khoản vay rất nhỏ thì cũng vẫn bị lưu thông tin trên CIC. Thông tin này có giá trị trong 5 năm.