Giải quyết nợ xấu, "thanh lọc" hệ thống ngân hàng

ANTD.VN - Nợ xấu hiện nay đang đe dọa hoạt động của toàn bộ nền kinh tế dẫn đến yêu cầu cấp thiết phải có một phương án chung, thống nhất, hiệu quả để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Trước tình hình đó, ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD), các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với nhau đề ra phương án giải quyết nợ xấu đã tồn đọng nhiều năm qua trước khi nó tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Thống nhất phương án giải quyết

Ngày 22/05, tại dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD, Chính phủ đã thống nhất phương thức triển khai xử lý vấn đề giải quyết nợ xấu gồm hai phần. Thứ nhất là đề ra Nghị quyết để xử lý các vấn đề cấp bách, đảm bảo an ninh cho hệ thống tiền tệ và hệ thống các TCTD Việt Nam. Thứ hai là sửa Luật các TCTD để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho toàn bộ hệ thống.

Theo đó, việc có một Nghị quyết là yếu tố ngắn hạn tạo nền tảng cho sự ra đời của hệ thống khung pháp lý lâu dài. Nghị quyết nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết trước mắt và thực hiện thí điểm một số điều khoản sửa đổi trong luật nhằm xem xét mức độ phù hợp của những thay đổi này đối với nền kinh tế, từ đó nhanh chóng đưa luật sửa đổi vào thi hành.

Theo các chuyên gia, việc đưa ra phương thức xử lý nợ xấu như trên hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện tại của nước ta bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu hiện nay đang ở mức báo động, yêu cầu cấp thiết phải có những giải pháp xử lý triệt để tình trạng trên. Thứ hai, việc xử lý nợ xấu của nước ta còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là những vướng mắc trong cơ chế xử lý nợ xấu, thủ tục pháp lý.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng hiện nay vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,8%tổng dư nợ. Con số này sẽ là 10,08% nếu tính cả những khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu. Đây là con số báo động tỷ lệ nợ xấu hiện nay có thể đe dọa đến hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia.

Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất khi giải quyết nợ xấu là vướng mắc cơ chế với nhiều điểm hạn chế, nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về định giá các khoản nợ để bán, chưa có chính sách ưu đãi nhà đầu tư sau khi mua nợ và chưa có khuôn khổ pháp lý rõ ràng.

 

Nhanh chóng xử lý

Theo TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, hiện nay giải quyết nợ xấu là vấn đề cấp thiết, cần nhanh chóng xử lý bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, nợ xấu càng để lâu, chi phí càng cao, ảnh hưởng đến kinh tế toàn nước. Thứ hai, dù có bước tiến nhưng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa mang lại hiệu quả, thực tế có thể thấy vấn đề nợ xấu còn nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu, hệ thống ngân hàng như mạch máu, nợ xấu như cục máu đông, giống như con người càng cao tuổi mỡ máu càng nhiều, tích tụ dần làm đường ống dẫn máu hẹp, mạch máu tắc thì tăng xông, "nhẹ thì còn chữa được chứ nặng thì đi luôn". Như vậy, nợ xấu nếu để càng cao mà không được “chữa” thì trước hết sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, tiếp theo sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và nguy hiểm nhất là gây nên khủng hoảng kinh tế.

Có thể hiểu một cách đơn giản, xử lý nợ xấu xoay quanh vấn đề thanh khoản tài sản thế chấp mà chủ yếu bất động sản. Dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên các hoạt động xử lý nợ xấu của các cơ quan, TCTD chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Đơn cử, tháng 7/2013, công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) được thành lập, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực gạt nợ xấu sang bên lề, tạo sự thông thoáng, trôi chảy hơn cho dòng tín dụng.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, đến nay VAMC mới chỉ xử lý được 17,6% nợ xấu mua từ các ngân hàng, phần còn lại vẫn chưa xử lý được, nằm bất động một chỗ. VAMC cũng gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu tương tự như các TCTD khác, khiến tổ chức này cũng không thể nào thanh khoản một cách hiệu quả được khối tài sản đã mua lại.

Việc xử lý nợ xấu hiện nay không đơn thuần chỉ là vấn đề trách nhiệm của riêng NHNN và các TCTD mà là trách nhiệm chung của toàn bộ ngành. Vì vậy, cần phải bổ sung trách nhiệm hỗ trợ giải quyết cho các cơ quan khác như Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, ông Võ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày trong Báo cáo thẩm tra tại dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD.