Vào tâm điểm “cơn sốt”

(ANTĐ) - Thế giới phẳng chưa thấy đâu, nhưng những mấp mô của nó thì người nghèo ở nước nghèo lãnh đủ. Trong lúc những người nghèo trên thế giới đang “điêu đứng” vì giá lương thực tăng cao thì các công ty liên quan đến lương thực của nhiều nước phương Tây lại… trúng “quả đậm”.

Vào tâm điểm “cơn sốt”

(ANTĐ) - Thế giới phẳng chưa thấy đâu, nhưng những mấp mô của nó thì người nghèo ở nước nghèo lãnh đủ. Trong lúc những người nghèo trên thế giới đang “điêu đứng” vì giá lương thực tăng cao thì các công ty liên quan đến lương thực của nhiều nước phương Tây lại… trúng “quả đậm”.

Ai đắc lợi?

Đây chính là thời kỳ “đục nước béo cò” cho các công ty chế biến ngũ cốc, sản xuất phân bón, sản xuất nông cụ và cung cấp hạt giống do nhu cầu lương thực và ngũ cốc của thế giới đột ngột tăng mạnh, trong khi nguồn cung lại rất hạn hẹp.

Điển hình rõ nét nhất là lợi nhuận trong quý I-2008 của Công ty chế biến ngũ cốc khổng lồ Archer-Daniels-Midland (Mỹ) đã tăng 42%, trong đó thu nhập ròng trong các đơn vị của công ty (cửa hàng, vận chuyển và buôn bán ngũ cốc như lúa mỳ, ngô và đậu tương) tăng gấp 7 lần.

Công ty Monsnanto Co. (chuyên cung cấp hạt giống và thuốc diệt cỏ) của Mỹ cũng thu lợi nhuận gấp đôi trong quý I này. Các địch thủ của công ty này là Dupont Co. và Syngenta AG gần đây cũng đã nâng mức ước tính về lợi nhuận của họ. Khủng hoảng kinh tế ở đâu không biết, chứ thu nhập của công ty sản xuất phân bón Mosaic Co. tăng 12 lần trong quý I-2008. Tăng gấp 12 lần lợi nhuận - quả là nằm mơ cũng khó thấy(!?).

Ở châu Âu, giá lương thực lên cao cũng làm tăng thu nhập của 2 nhà sản xuất lương thực lớn nhất thế giới là Nestlé SA của Thụy Sĩ và Groupe Danone SA của Pháp. Gánh nặng chi phí sản xuất cao cũng không hề ảnh hưởng đến thu nhập của Nestlé vì hãng này đã nâng giá bán buôn trung bình lên 5,3%. Trong quý I-2008, giá trị bán hàng của công ty này đã tăng lên 24,8 tỷ USD.

Mỹ cũng cạn kiệt lương thực dự trữ

Trong một dấu hiệu phản ánh rõ tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 2-5 xác nhận các kho dự trữ lương thực ở Mỹ đã cạn kiệt trong khi giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm dự báo tiếp tục đà leo thang trong năm 2008.

Thứ trưởng USDA, ông Mark Keenum tuyên bố do giá lương thực trên toàn cầu tăng 45% trong 9 tháng qua, các chủ trang trại ở Mỹ đua nhau bán sản phẩm ra chợ để kiếm lời, thay vì bán cho các chương trình hỗ trợ giá truyền thống của Chính phủ.

Điều đó đã góp phần làm khánh kiệt các kho dự trữ lương thực của Chính phủ Mỹ. USDA dự kiến trong cả năm 2008 chỉ thu mua được 241,9 triệu giạ (1 giạ = 32kg) lúa mỳ, trong đó có 24 triệu giạ thuộc các chương trình cứu trợ quốc tế, giảm nhiều so với mức đỉnh cao 777 triệu giạ năm 2001. Đây là mức dự trữ lúa mỳ thấp nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Cần một lực lượng đặc nhiệm toàn cầu cấp cao 

Điều đó cho thấy, trong bối cảnh phức tạp hiện nay về an ninh lương thực, nếu các Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ thì việc đầu cơ, tích trữ của các tập đoàn đa quốc gia rất dễ  hốt bạc, nó kéo theo cả những bất ổn chính trị - xã hội mang tính khu vực và quốc gia.

Giá lương thực lên cao hiện đang là một vấn đề đang được cả thế giới cùng chung tay giải quyết. Đây là cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ qua, bắt nguồn từ nhu cầu lương thực tăng cao ở các nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (như Trung Quốc, ấn Độ), các kho dự trữ lương thực giảm xuống mức thấp nhất do thời tiết xấu và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cũng bởi vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi thành lập một lực lượng đặc nhiệm toàn cầu cấp cao để giải quyết những tác động của việc giá dầu và giá lương thực lên cao. Ông kêu gọi các nước phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn “tình trạng bất ổn xã hội trên quy mô không lường trước được”.

Thu Nga