Vào mùa “chặt chém”

ANTĐ - Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, hiện tại, nhiều gia đình đã bắt đầu tìm mua chậu hoa, cây cảnh trang trí trong nhà. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để những điểm kinh doanh mặt hàng này đua nhau “chặt chém” khách và các đối tượng trộm cắp cây cảnh hoạt động.

Nhu cầu mua chậu hoa, cây cảnh của người dân tăng nhanh vào dịp giáp Tết
Ảnh: thesaigontime

Lừa đảo trắng trợn

Năm nay bà Nguyễn Thu Hòa – cán bộ hưu trí ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội quyết định đi mua chậu hoa,cây cảnh trước Tết gần 1 tháng. Lang thang gần một ngày ở chợ Bưởi, đường Hoàng Hoa Thám, bà Hòa tìm được một chậu hoa giấy nhiều màu rực rỡ, 1  cây cam cảnh và 1 cây sung trĩu quả, thế rất đẹp. Tổng số tiền bà Hòa phải trả cho cả 3 cây là 1,5 triệu đồng. Vừa mang về nhà, bà Hòa trồng ngay. Tuy vậy, khi ngắm thật kỹ, bà Hòa nhanh chóng thất vọng khi thấy phần lớn số quả sung trên thân cây đều được gắn bằng…keo, một số cành nhỏ có dấu hiệu đang héo. Bà Hòa chia sẻ: “Mặc dù tôi đã rất cảnh giác, xem đi xem lại từng cây một nhưng cuối cùng vẫn bị lừa. Có lẽ người bán tranh thủ lúc tôi không để ý đã tráo cây. Cây sung này tôi mua từ hàng rong nên chẳng biết họ ở đâu  mà tìm”.

Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Đình Hùng ở khu đô thị Xa La, Hà Đông kể lại, năm trước anh mua một chậu cúc Nhật và 1 chậu địa lan khá đẹp ở khu chợ gần nhà. Theo lời người bán hàng, sở dĩ hai chậu hoa này được bán giá thấp hơn giá thị trường do gia đình anh ta có con nhỏ đang nằm viện, cần tiền chạy chữa. Cả tin, anh Hùng đồng ý mua cả 2 chậu hoa đồng thời còn biếu thêm người bán cây 100.000 đồng.  Nhưng chỉ được vài ngày, tuy đã được tưới nước, chăm sóc rất cẩn thận nhưng một số cành vẫn bị héo. Kiểm tra lại, anh Hùng mới biết những cành hoa này được người bán gắn thêm vào để tạo dáng.

Trộm cắp hoa, cây cảnh “vào mùa”

Theo anh Đào Văn Quang – chủ một cửa hàng  kinh doanh cây cảnh có uy tín trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, đối với người tiêu dùng, việc chọn được những chậu hoa không bị cấy ghép là điều không dễ. Những chậu hoa, cây cảnh thường bị cài cắm nhiều là những loại có giá trị, được nhiều người chọn lựa như hoa lan, hoa đỗ quyên, cây sung, cây cam, cây ngũ quả…. 

Do nhu cầu về chậu hoa, cây cảnh của người dân vào dịp Tết tăng cao nên đây cũng là thời điểm thuận lợi để các đối tượng trộm cắp hoạt động. Về vấn đề này, Trung tá Trịnh Quốc Tuấn – Trưởng CAP Nam Đồng, quận Đống Đa cho biết, mặc dù người dân đều có ý thức cảnh giác cao nhưng hầu như năm nào nạn trộm cắp hoa, cây cảnh cũng diễn ra. Đích ngắm của các đối tượng trộm cắp là những chậu hoa, cây cảnh dễ bưng bê, vận chuyển, có giá trị cao như cây sung, hoa ly, hồng môn, cúc mâm xôi, đỗ quyên, cam cảnh….

Thủ đoạn của bọn chúng là bố trí người theo dõi nơi định đột nhập trong một khoảng thời gian nhất định, khi thấy chủ nhà sơ hở là hành động, đặc biệt là vào giữa trưa hoặc đêm tối. Bọn chúng còn giả danh người có nhu cầu mua cây cảnh đến vườn xem, hỏi mua để ngắm những loại cây có thế đẹp, có giá trị. Sau đó chúng sẽ quay lại vào thời điểm vắng người, lúc chủ nhà hay người trông vườn ngủ say để thực hiện hành vi trộm cắp. Điều này đặc biệt lưu ý đối với những chủ vườn đào, vườn quất, khu trưng bày cây cảnh có diện tích rộng, không có tường rào bao quanh và số người trông coi mỏng.

Để tránh mua phải cây “rởm”, khách hàng cần đến những cửa hàng có uy tín, được bảo hành và có địa chỉ rõ ràng, không nên ham rẻ mua của những người bán hàng rong hoặc những điểm kinh doanh không cố định. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, các chủ vườn kinh doanh hoa, cây cảnh cũng cần thận trọng trong việc trông coi các loại cây cảnh, khi phát hiện đối tượng có hành vi trộm cắp cần báo ngay với cơ quan chức năng để được giải quyết kịp thời.