Vận tải xe khách đường bộ thoi thóp "sống thực vật" trong đợt dịch Covid-19 thứ tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tiếp tục giáng một đòn nặng nề vào các doanh nghiệp vận tải xe khách đường bộ, nhiều doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh chỉ chờ phá sản.

Xe khách "đắp chiếu"

Doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0, nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng cao chót vót, tiền thuê nhà xưởng, kho bãi, tiền lương hỗ trợ nhân viên, lái xe, tiền bảo hiểm… hàng loạt doanh nghiệp vận tải khách hiện đang trong cảnh “thoi thóp” chờ chết.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) chia sẻ, doanh nghiệp có gần 100 xe chở khách, bao gồm xe chạy tuyến cố định liên tỉnh và chở khách theo hợp đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ là cầm chừng, nhất là từ tháng 5 đến nay, doanh nghiệp gần như dừng hoạt động, hiện chỉ còn 5 xe chạy túc tắc.

Trong khi đó, doanh nghiệp có 300 lái xe, nhân viên nhưng do không hoạt động, không sản xuất kinh doanh nên nhân viên gần như cũng ngồi chơi.

Doanh nghiệp phải để nhân viên làm việc luân phiên vì cũng không dám cho người lao động nghỉ việc.

Hàng chục nghìn xe khách nằm đắp chiếu, doanh nghiệp vận tải khách đường bộ sống thoi thóp chờ phá sản

Hàng chục nghìn xe khách nằm đắp chiếu, doanh nghiệp vận tải khách đường bộ sống thoi thóp chờ phá sản

“Doanh nghiệp sống lay lắt nhưng vẫn phải giữ lao động, nếu để cho lao động nghỉ việc thì khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp lại rất khó khăn để tuyển người. Hơn nữa, nhiều anh em lái xe, nhân viên đã gắn bó với mình nhiều năm, doanh nghiệp khó khăn thì người lao động cũng khó khăn nên cùng nhau đồng hành, chia sẻ”- ông Bằng cho hay.

Trước khi có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe Sao Việt chi khoảng 3 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên thì nay, dù không có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải gánh gần 1 tỷ đồng/tháng.

“Doanh nghiệp phải “è” cổ chịu vô vàn các khoản thuế phí; tiền vay ngân hàng vẫn phải thanh toán đúng kỳ đúng hạn, tiền thuê nhà xưởng kho bãi... chúng tôi cũng không biết có thể cầm cự được đến bao giờ và không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc”- ông Bằng lo ngại.

Đến 90% xe của nhà xe Sao Việt đang nằm đắp chiếu tại các đầu địa phương từ đầu năm 2021 đến nay

Đến 90% xe của nhà xe Sao Việt đang nằm đắp chiếu tại các đầu địa phương từ đầu năm 2021 đến nay

Cũng trong cảnh tương tự, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty CP xe khách Hà Nội thông tin, địa bàn hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là khu vực Hà Nội đi Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Và như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này gần như "đóng băng" hoạt động.

“Đầu năm thì xảy ra đợt dịch kéo dài ở Hải Dương, chúng tôi đã phải tạm dừng gần như toàn bộ hoạt động và từ tháng 4 đến nay lại có đợt dịch kéo dài ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp đang "đóng băng", không làm gì cả. Toàn bộ hơn 100 xe khách chạy liên tỉnh và xe buýt kế cận "đắp chiếu", gửi ở đầu các địa phương”- Giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội cho hay.

Trong khi đó, số lượng lái xe, nhân viên của Công ty lên đến gần 400 người, ngoại trừ một số đang bị cách ly ở địa phương thì số còn lại phải làm việc luân phiên và hưởng lương kiểu trợ cấp.

Xem xét miễn phí bảo trì đường bộ, giãn nợ ngân hàng

“Doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng vẫn phải vay mượn, chạy vạy để tạm ứng lương hỗ trợ người lao động. Khó khăn nhất với chúng tôi là khoản vay ngân hàng. Doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh thì không có nguồn thu, không có chi phí để thanh toán cho ngân hàng, trong khi các khoản vay này đều chịu lãi suất cao, phải thanh toán đúng kỳ”- ông Huy lo lắng.

Ngoài chi phí để trả lương cho gần 400 nhân viên, lái xe thì doanh nghiệp còn phải lo các khoản trả ngân hàng, tiền thuê kho bãi và đặc biệt là phí bảo trì đường bộ đóng trên đầu phương tiện.

“Phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện trung bình là 400.000 đồng/tháng/xe, như với doanh nghiệp chúng tôi hết khoảng 40 triệu đồng/tháng, rất áp lực và nặng nề, trong khi thì xe đắp chiếu có chạy được đâu. Chúng tôi cũng có thắc mắc gửi tới Sở GTVT địa phương nhưng được trả lời là năm nay chưa có hướng dẫn từ Tổng cục Đường bộ hay Bộ GTVT nên vẫn phải thu đủ”- ông Huy cho biết.

Khó khăn chồng chất, bởi vậy, các doanh nghiệp vận tải khách đều bày tỏ mong muốn được xem xét hỗ trợ khoản vay ngân hàng trong việc khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, có doanh thu.

Thêm vào đó, Bộ GTVT xem xét kiến nghị các Bộ ngành và Chính phủ miễn tiền phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện trong những tháng mà doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì dịch bệnh để giảm bớt khó khăn đã kéo dài từ 2020 đến nay.

Thống kê của Công ty CP Bến xe Hà Nội cho thấy, từ tháng 2 đến nay, lượng khách qua các bến của Công ty (bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình) sụt giảm nghiêm trọng. Tất cả các tháng từ đầu năm đến nay, sản lượng đều không đạt so với kế hoạch đưa ra.

Cụ thể, tháng 2/2021 chỉ đạt 59% kế hoạch, tháng 3 đạt 84% kế hoạch, tháng 5 đạt 46% kế hoạch. Tính trung bình 5 tháng đạt 78% kế hoạch đưa ra.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải khách, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã thực hiện không thu tiền toàn bộ các “nốt” xe mà doanh nghiệp không chạy. Đồng thời, đề nghị các Sở GTVT địa phương không thực hiện xử phạt hay thu hồi đối với doanh nghiệp không chạy đủ 70% số nốt đã đăng ký...