Vẫn nhiều thủ tục hành chính chậm sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nêu ra một số thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, đã được kiến nghị nhưng các Bộ, ngành chậm sửa đổi.
Cắt giảm các điều kiện kinh doanh không phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Cắt giảm các điều kiện kinh doanh không phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Ngày 29-2, Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, từ năm 2021 đến cuối 2023, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật.

Đại diện VCCI đánh giá môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, thể hiện ở việc thực hiện thủ tục hành chính, nhiều tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn; phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn...

Điều kiện kinh doanh cũng đơn giản hơn, nhiều quy định vướng mắc được kịp thời sửa đổi. Tinh thần phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính cũng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, cải cách hành chính vẫn cần thực chất, hiệu quả hơn nữa khi mà nhiều đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh thiếu tính đột phá, nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh nhưng chưa được xem xét…; chưa kể việc phát sinh thêm một số thủ tục mới gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng, Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi.

“Doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Từ phía cơ quan quản lý cũng khó có thể quản lý khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Hoặc yêu cầu tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi.

TS Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh hiện còn kém hấp dẫn nên tình hình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm. Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét; chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp.

Bà Minh Thảo cũng nêu ra những bất cập về chất lượng quy định pháp luật, rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Để hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần tháo gỡ, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…