Văn hóa súng đạn của nước Mỹ - một ngoại lệ toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công viên Monterey, Atlanta, Orlando, Las Vegas, San Bernardino, Uvalde… hàng loạt địa danh xảy ra xả súng trong tháng đầu tiên của năm 2023 cho thấy, văn hóa súng đạn của nước Mỹ ngày càng nhức nhối và là một ngoại lệ toàn cầu.
Người dân tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở công viên Monterey Park, California hôm 24-1

Người dân tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở công viên Monterey Park, California hôm 24-1

Hiện tượng độc đáo và dai dẳng

Theo Cơ quan Khảo sát vũ khí Nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Không có quốc gia nào trên thế giới mà số lượng súng lại cao hơn dân số. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 10-2020 của Gallup, khoảng 44% người trưởng thành ở Mỹ sống trong gia đình có súng và khoảng 1/3 sở hữu một khẩu súng cá nhân.

Theo Cục Quản lý Rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF), sản xuất vũ khí gia tăng hàng năm. Năm 2018 các nhà sản xuất súng đã sản xuất 9 triệu khẩu súng dùng cho nội địa, nhiều hơn gấp đôi số lượng được sản xuất vào năm 2008. Thống kê gần đây, tháng 1-2021 đánh dấu con số đề nghị kiểm tra lý lịch cần thiết để mua súng ở mức cao nhất kể từ năm 2013, tăng gần 60% so với tháng 1-2020. Một số liệu khác cho thấy, vào tháng 3-2021, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã báo cáo gần 4,7 triệu lượt kiểm tra lý lịch để cấp phép mua súng - nhiều nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi hơn 20 năm trước.

Song song với đó, Mỹ là nước có tỷ lệ giết người bằng súng cao nhất trong thế giới phát triển. Năm 2019, tỷ lệ người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn là khoảng 4 người trên 100.000 người, cao gấp 18 lần tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển khác. Đáng nói hơn cả, các vụ xả súng hàng loạt thường xuyên là một hiện tượng độc đáo của Mỹ. Theo Giáo sư Jason R.Silva - chuyên gia xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt trong 20 năm qua. Nước này đã ghi nhận tới 417 vụ xả súng hàng loạt vào năm 2019 và 647 là số vụ xảy ra trong năm 2022.

Chính sách súng đạn của Mỹ đóng một vai trò quan trọng. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh quốc cho thấy, các bang của Mỹ có luật sở hữu và sử dụng súng dễ dãi hơn thì tỷ lệ các vụ xả súng hàng loạt cao hơn. Giống như Guatemala và Mexico, Mỹ là một trong 3 quốc gia duy nhất trên thế giới mà việc mang (hoặc giữ) vũ khí là quyền hiến định. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu ở 2 quốc gia còn lại chỉ bằng 1/10 Mỹ và các cuộc tranh luận về súng ở đó ít bị chính trị hóa hơn, tức là các nhà lập pháp thoải mái hơn trong việc hạn chế súng, đặc biệt là trước những lo ngại về tội phạm có tổ chức.

Ở Mexico, chỉ có 1 cửa hàng súng trên toàn quốc và cửa hàng này do quân đội kiểm soát. Ngược lại, dự luật về kiểm soát súng dù được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 3-2021 nhưng đang bị mắc kẹt tại Thượng viện. Trong nhiều thập kỷ, các rào cản chính trị đã cản trở những nỗ lực như vậy ở Mỹ. Như một vòng luẩn quẩn, các vụ xả súng hàng loạt tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua nhiều súng hơn.

Bài học thành công ở nhiều nước trên thế giới

Trong khi đó, những quốc gia đưa ra luật nhằm giảm thiểu số ca tử vong liên quan đến súng đã đạt được những thay đổi đáng kể. Điển hình là Australia, một thập kỷ bạo lực súng đạn mà đỉnh điểm là vụ thảm sát Port Arthur năm 1996 đã khiến chính phủ nước này phải hành động. Chưa đầy 2 tuần sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất ở Australia, chính phủ liên bang đã cấm súng trường bắn nhanh và súng ngắn, đồng thời thống nhất việc cấp phép và đăng ký sở hữu súng trên toàn quốc. Trong 10 năm tiếp theo, số người chết vì súng ở Australia đã giảm hơn 50%.

Tương tự, ở Nam Phi, số ca tử vong liên quan đến súng đã giảm gần một nửa trong khoảng thời gian 10 năm sau khi Đạo luật Kiểm soát súng có hiệu lực vào tháng 7-2004. Luật mới khiến việc mua súng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ở New Zealand, luật về súng đã nhanh chóng được sửa đổi sau vụ xả súng ở nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch năm 2019. Chỉ 24 giờ sau vụ tấn công khiến 51 người thiệt mạng, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố luật sẽ thay đổi. Quốc hội New Zealand gần như nhất trí bỏ phiếu thay đổi luật súng đạn của nước này chưa đầy một tháng sau đó, cấm tất cả vũ khí bán tự động kiểu quân đội.

Anh thắt chặt luật về súng và cấm hầu hết quyền sở hữu súng ngắn tư nhân sau vụ xả súng hàng loạt vào năm 1996, một động thái giúp số người chết vì súng giảm gần 1/4 trong hơn một thập kỷ.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có thể giải quyết bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, bất chấp hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Mỹ, chỉ khoảng một nửa số người Mỹ trưởng thành ủng hộ luật súng chặt chẽ hơn và cải cách về luật vẫn dậm chân tại chỗ. Vì thế, chu kỳ bạo lực chết người dường như vẫn tiếp diễn.