Vận hành “Dòng chảy phương Bắc”

ANTĐ -Dòng nhiên liệu thiết yếu mà Nga cung cấp cho các quốc gia Tây Âu đã thoát khỏi nguy cơ có thể trở thành "con tin" khi tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên trong hệ thống đường ống của dự án "Dòng chảy phương Bắc" đi vào vận hành.
Nhân viên kỹ thuật đang giám sát một trạm bơm khí tại Lubmin trên đường ống dẫn khí
Dòng chảy phương Bắc

Không phải ngẫu nhiên mà cả Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hà Lan Mark Ryutte, Thủ tướng Pháp Francois Fillon và Cao uỷ châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Gyuter Wettinger cùng đến thành phố Lubmin ở Đông Bắc nước Đức ngày 8-11 để tham dự lễ khánh thành tuyến đường ống dẫn khí trên. Tuyến vận chuyển khí đốt mới này sẽ giúp việc cung cấp năng lượng của Nga cho khu vực Tây Âu không bị gián đoạn bởi sự can thiệp của bên thứ ba.

Trước đó, nhiều quốc gia Tây Âu từng khốn đốn với những cuộc khủng hoảng khí đốt mà nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đó là do đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Tây Âu phải đi qua lãnh thổ Ukraine và Ba Lan nên từng không ít lần bị bên thứ ba bắt làm "con tin" khi xảy ra tranh chấp.

Cả Tây Âu không thể quên cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa đông năm 2009 khi Ukraine khoá van đường trung chuyển khí đốt Nga bán cho thị trường Liên minh châu Âu (EU) khiến18 quốc gia lao đao. Kiev "bắt" khí đốt làm "con tin" để đòi Nga không được nâng giá bán khí đốt cho Ukraine dù mức giá này chỉ bằng hơn phân nửa bán cho EU.

Bởi thế, việc đưa tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" vốn chỉ chạy dưới đáy biển Baltic thẳng từ nước Nga sang thành phố Lubmin của Đức sẽ giúp Tây Âu xoá bỏ mối lo bị bên thứ ba can thiệp. Đường ống dẫn khí đốt được đưa vào vận hành ngày 8-11 vừa qua, với công suất tối đa 27,5 tỷ m3/năm, là đường ống đầu tiên trong 2 đường ống song song của dự án "Dòng chảy phương Bắc".

Tuyến đường ống này khi hoàn thành toàn bộ trong năm 2012 sẽ cung cấp cho thị trường Tây Âu 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nga cùng các đối tác trong EU đã đầu tư 7,4 tỷ euro để xây dựng tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc" dài 1.224km từ Vyborg (Nga) đến Lubmin.

Một số quốc gia châu Âu cho rằng "Dòng chảy phương Bắc" sẽ khiến Tây Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng nhiên liệu này của khu vực sẽ tăng thêm 200 tỷ m3/năm trong một thập kỷ tới.

Bà Claudia Kemfert, một chuyên gia năng lượng của Đức, cho rằng thay vì đầu tư tuyến đường ống thứ hai trong dự án "Dòng chảy phương Bắc", Tây Âu nên tìm kiếm cách đa dạng nguồn cung cấp. Theo chuyên gia này, Tây Âu có thể đầu tư để tăng nhập khí đốt hoá lỏng đang khá dồi dào trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, các quan chức dự án liên doanh "Dòng chảy phương Bắc" đã bác bỏ những quan ngại trên khi cho rằng nếu có sự phụ thuộc thì đó chính là sự tuỳ thuộc lẫn nhau vì Nga cũng rất cần nguồn tài chính từ việc bán khí đốt cho Tây Âu. Lãnh đạo Nga khẳng định sẽ cung cấp ổn định khí đốt cho châu Âu theo giá cả thị trường thế giới.