Quanh việc thành lập VPF:

V-LEAGUE sẽ được gọi là... Ngoại hạng!?

ANTĐ - Theo Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, khi mô hình VPF được thành lập, V-League hoàn toàn có thể được đổi thành Ngoại hạng cho phù hợp.

Hôm qua, VFF và đại diện các ông bầu đã hoàn tất Điều lệ hoạt động của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Về cơ cấu tổ chức, VPF mới chỉ có các nguyên tắc chung, chứ chưa có bất cứ điều lệ nào cụ thể. Trao đổi với chúng tôi, ông Viễn cho biết HĐQT sẽ có 9 người. Trong đó, 3 người của VFF sẽ có trong HĐQT, 4 người của V-League, còn lại 1 đội hạng Nhất và 1 của bên ngoài. Gần đây, xuất hiện nhiều tranh cãi cho rằng VFF không thể là đơn vị quản lý trực tiếp VPF, vì điều đó sẽ dẫn tới việc dễ lặp lại mô hình và bước đi cũ. Đơn cử, ông “bầu” Đoàn Nguyên Đức của HAGL khẳng định: “VPF là công ty cổ phần, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Khi được cấp phép xong, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ trực tiếp quản lý VPF. VFF chỉ là một cổ đông lớn trong VPF. Tôi nghĩ họ không có quyền quản lý trực tiếp VPF. Ngay cả bất kỳ đội bóng nào trong 24 đội góp cổ phần cũng vậy”.

Về điều này, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cho rằng VFF cần phải quản lý về mặt chuyên môn của VPF: “Tôi nghĩ rằng toàn bộ các hoạt động về chuyên môn của VPF, VFF có trách nhiệm quản lý, nhưng không mang tính chất quyết định vì có sự tham gia của cả một tập thể”. Dẫn chứng về điều này, ông Viễn cho rằng khi mô hình trên ra đời, V-League cần được đổi tên thành Ngoại hạng. Đây là tiền đề để đưa bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp và bài bản hơn nữa trong tương lai. Ý kiến này nhận được khá nhiều sự đồng tình, nhưng lại vấp phải không ít chỉ trích. Một ông “bầu” nói: “Bản thân cái tên không quá quan trọng và nó cũng chẳng nói lên được nhiều điều. Quan trọng là “ruột” của nó như thế nào và cả VFF cũng như các thành viên khác trong việc thành lập VPF phải tìm được tiếng nói chung, chứ cứ thế này thì Ngoại hạng hay Siêu ngoại hạng cũng vậy thôi”.