V-League 2014: Trong khi chờ đợi… Koji

ANTĐ - VPF loan tin đã mời được một chuyên gia người Nhật có tên là Tanaba Koji về ngồi ghế Trưởng giải V-League, kèm theo đó là sự kỳ vọng về một cách mạng cho bóng đá chuyên nghiệp Việt. Thế nhưng…
V-League 2014: Trong khi chờ đợi… Koji ảnh 1
V-League vẫn đang là một cỗ xe lệch chuẩn



Xe hỏng có nhất thiết phải cần tài xế cừ?

Nhiều người ví von, V-League hiện nay giống như một chiếc xe cũ kỹ, xộc xệch đủ thứ và đụng đâu hỏng đấy. Đặc biệt, sau nhiều năm sống trong vỏ bọc hào nhoáng nhờ dựa hơi các ông bầu lắm tiền nhiều của, bóng đá quốc nội xuống dốc không phanh, khi lọt vào vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế. “Chiếc xe” V-League theo đó càng tồi tàn hơn và được vá víu bằng đủ thứ phụ tùng khập khiễng. Một số CLB không trụ nổi phải giải thể, một số chỉ đủ sức hoạt động cầm chừng và triền miên nợ lương cầu thủ. Tồi tệ hơn, sau nhiều năm hô quyết tâm tiến lên chuyên nghiệp, sân cỏ quốc nội đang đứng trước nguy cơ… nghiệp dư hoá khi nhà tổ chức cố “đôn” các đội thuộc hạng phong trào lên sân chơi chuyên nghiệp chỉ để cho... đủ số lượng đội tham dự.

Nói nôm na, nó giống như chiếc kim tự tháp chổng ngược. Bởi thông thường những hạng dưới có đông đội tham dự, nhưng lên đến trên thì ít đội hơn, vì tính sàng lọc cao hơn, các tiêu chuẩn để chọn đội đá ở hạng trên cũng gắt gao hơn. Nhưng ở bóng đá Việt Nam thì càng lên trên, người ta càng dễ dãi với việc công nhận CLB chuyên nghiệp, dẫn đến hệ quả là V-League còn đông đội hơn cả hạng Nhất. Đó là nghịch lý và nó là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam đối diện với quá nhiều hỗn loạn trong mấy năm qua.

Câu hỏi đặt ra là với việc sở hữu một chiếc xe hỏng từ động cơ hỏng ra như vậy, thì có nhất thiết phải tuyển một tay lái cừ khôi cho nó? Thay vì dừng lại để tìm cách sửa chữa, hay là cứ đặt ông ta ngồi sau vô-lăng rồi tự yên tâm rằng xe về đích an toàn?

VPF kỳ vọng cái bắt tay với ông Koji sẽ nâng tầm bóng đá chuyên nghiệp Việt


Và trong khi chờ đợi Koji…

Trong vở kịch phi lý nổi tiếng “Chờ đợi Godot” của Samuel Beckett có kể về hai nhân vật chính thất nghiệp, tìm mọi cách giết thì giờ, trong khi chờ đợi một người được gọi là Godot. Nhưng bản thân họ cũng không biết Godot là ai và cho đến cuối kịch Godot cũng không xuất hiện. Một vở kịch không có nội dung cụ thể, thể hiện sự chờ đợi trong vô vọng.

Vậy tại sao lại phải đợi Godot, Godot là ai, và nếu Godot không đến thì sao? Đừng bao giờ đẩy mình rơi vào thế tuyệt vọng như vậy. Con người phải tự vận động, tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. Đó là một trong những thông điệp mà tác giả gửi gắm trong vở kịch này. Nó rất đáng để những nhà lãnh đạo VPF phải suy ngẫm.

Và trong khi chờ đợi… Koji, thiết nghĩ rằng, VFF cũng như VPF cần phải thể hiện đúng vai trò ông chủ của mình đối với các giải chuyên nghiệp. Chính họ chứ không phải ai khác là người nắm rõ nhất các bộ phận hỏng hóc trên trên xe của mình. Bởi vậy, thay vì chờ đợi và đặt một niềm tin vô nghĩa vào một tay lái ngoại sở hữu bản ký lịch gây hoang mang dư luận (ông Kojj chưa từng kinh qua vị trí quản lý, điều hành bất cứ một giải đấu nào), VFF và VPF nên tìm cách dừng lại mà đầu tư sửa chữa cho chiếc xe của mình. Nói đúng hơn, cái cần thay đổi là cả một cơ cấu nền bóng đá chứ không phải chỉ riêng cho bất cứ một vị trí nào.

Nhưng dù sao trong bối cảnh hiện nay cũng nên dành sự “welcome” cho ông Koji. Bởi chí ít thì ông ta cũng sẽ mang đến một chút sinh khí mới cho sân cỏ nội.

Theo thông báo từ VPF, dự kiến ngày 9/1 tới, ông Koji sẽ có mặt tại Việt Nam. Nghe đâu, đơn vị tổ chức này cũng đã chuẩn bị cho một lễ ra mắt khá hoành tráng…