Uống cà phê càng nhiều, càng tiết kiệm xăng

ANTD.VN - Arthur Kay, một nhà khởi nghiệp trẻ, nhà sáng lập ra Công ty Bio-bean Ltd. của Anh đã hợp tác với 2 công ty năng lượng lớn là Shell và Argent Energy để tạo ra một loại nhiên liệu sinh học từ cà phê đã qua sử dụng dùng cho những chiếc xe buýt đỏ 2 tầng, một biểu tượng của Thủ đô Londdon. 

Starup Arthur Kay và chiếc Ominibuses - biểu tượng của London

Tài nguyên chính là rác thải

Nghe có vẻ không tưởng, tuy nhiên đối với Arthur Kay, nhà sáng lập, startup của Bio-bean (Anh) thì dự án đó lại là thật và đem lại lợi ích cộng đồng rất lớn, trong khi vừa giải quyết được rác thải là bã cà phê, vừa sản xuất ra nguồn nhiên liệu sạch, không gây ô nhiễm môi trường như các loại nhiên liệu hóa thạch xăng, dầu…

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày một người dân London dùng trên 2 ly cà phê nên sẽ có hàng trăm tấn bã cà phê bỏ đi mỗi năm, hầu hết sẽ được chôn lấp tại các bãi rác, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong khi đó, bã cà phê lại giàu năng lượng, chứa nhiều hợp chất hóa học quan trọng có giá trị lớn, đóng vai trò quyết định trong việc sản xuất chúng thành nguồn nhiên liệu sạch. 

Cũng theo chia sẻ của Arthur Kay, công ty Bio-bean của anh đã hợp tác với Royal Dutch Shell Plc, một công ty chuyên về cung cấp và sản xuất nhiên liệu của Hà Lan, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 6.000 lít nhiên liệu sinh học. Bã cà phê có tới 20% là tinh dầu, nên sẽ là nguyên liệu lý tưởng nhất trong thời điểm hiện nay để chế tạo ra xăng sinh học mà không cần cải biến và được các nhà khoa học đặt tên là nhiên liệu hỗn hợp B20. 

Để sản xuất ra loại nhiên liệu B20, Bio-bean đã đi đến hàng ngàn cửa hàng cà phê, nhà hàng trên toàn thành phố London để thu thập bã cà phê, rồi chuyển tới nhà máy và các cơ sở tái chế. Tại đây, cã cà phê được phơi hoặc sấy khô trước khi chiết xuất dầu cà phê. Sau đó, dầu cà phê sẽ được trộn với các loại nhiên liệu khác để tạo ra nhiên liệu sinh học B20. 

Thử nghiệm với biểu tượng của London

Chiếc xe buýt 2 tầng màu đỏ (Ominibus) bấy lâu nay vẫn là biểu tượng của thành phố London, cũng giống như tháp đồng hồ Big Ben và những chiếc taxi đen là một phần hiện hữu không thể thiếu vắng tại thành phố này. Ưu điểm của những chiếc Ominibus là sự độc đáo ở thiết kế, kết cấu công nghệ giúp nó nhẹ hơn và tiện lợi hơn những loại xe buýt khác.

Đã có một thời gian dài những chiếc Ominibus thiếu vắng trên đường phố London, tuy nhiên vào năm 2008, Boris Johnson khi ra tranh cử thị trưởng đã đưa ra ý tưởng cho những chiếc xe buýt này hoạt động trở lại, và chính lời hứa đó đã giúp ông lấy được sự ủng hộ từ phía người dân, giúp ông thắng cử chức Thị trưởng London.

Và thêm một bước đi táo bạo nữa của chính quyền London khi một lần nữa lại cho chính những chiếc Ominibuses thử nghiệm chạy bằng nhiên liệu được startup Arthur Kay sản xuất từ bã cà phê. Hiện tại, sau khi thử nghiệm với những chiếc Ominibus thành công, Bio-bean kỳ vọng loại nhiên liệu mới này sẽ được sử dụng rộng rãi trên khắp nước Anh trước khi thâm nhập thị trường châu Âu, Mỹ. 

Năm 2016, các nhà khoa học tại trường Đại học Bath (Anh) cũng tuyên bố thành công công trình nghiên cứu chế tạo xăng từ nhiên liệu cà phê. Giáo sư Chris Chuck, thành viên nhóm nghiên cứu của trường này khẳng định cà phê chính là nguyên liệu tiềm năng để sản xuất nguồn nhiên liệu sinh học “thực sự bền vững”, thậm chí ông Chuck còn khẳng định kể cả hạt, bã, hay cà phê đều cho ra những kết quả tuyệt vời khi sản xuất nhiên liệu sinh học, và khuyên nên tận dụng từ bã cà phê của những quán cà phê quy mô nhỏ.

Trước đó, một chiếc ô tô được chuyển đổi từ mẫu Volkswagen có tên là Car-puccino, cũng được các nhà khoa học cho chạy thử bằng nhiên liệu sản xuất từ bã cà phê, thu gom từ chuỗi cửa hàng cà phê Costa Coffee. Chiếc xa đã chạy được đoạn đường dài 210 dặm từ thành phố Manchester đến London. Sau đó, chiếc xe này được trưng bày tại hội chợ khoa học Big Bang ở Manchester để chứng tỏ nhiên liệu sinh học từ bã cà phê cũng không thua kém gì các loại nhiên liệu hóa thạch thông thường.