Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước: Hiệu quả chưa cao!

(ANTĐ) - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT  là một trong những mục tiêu cơ bản trong quá trình phát triển của Việt Nam. Song, để các mục tiêu về ứng dụng CNTT đến được đích như Chính phủ đề ra là việc không đơn giản.

Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước: Hiệu quả chưa cao!

(ANTĐ) - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT  là một trong những mục tiêu cơ bản trong quá trình phát triển của Việt Nam. Song, để các mục tiêu về ứng dụng CNTT đến được đích như Chính phủ đề ra là việc không đơn giản.

Thông tin nghèo nàn

Hạn chế dễ nhận thấy nhất của việc ứng dụng CNTT của các bộ, ngành- các cơ quan được coi là đi tiên phong trong việc ứng dụng CNTT là sự nghèo nàn về thông tin trên các trang tin điện tử thuộc lĩnh vực phụ trách. Có rất nhiều mục và tiểu mục, nhưng thông tin trên các website này dường như chỉ xoay quanh một vài thông tin hội nghị, công tác tập huấn, những thành tích của cơ quan bộ, ngành.

Điều phối chống thư rác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện

Điều phối chống thư rác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện

Được thành lập từ khá lâu song website Điều phối chống thư rác của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT- cơ quan của Bộ TT-TT) vẫn có thông báo “Website đang trong quá trình hoàn thiện, mọi ý kiến đóng góp xin gửi về...”. Sự chậm trễ trong công tác hoàn thiện của website này đã khiến những trông đợi của người dân vào thông tin như: tin tức hoạt động, báo cáo thống kê hay hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống thư rác... phải thất vọng. Ít nhất là hơn một năm nay, các mục này vẫn chưa được cập nhật thông tin trong khi thư rác, tin nhắn rác làm “điên đầu” không biết bao nhiêu người sử dụng điện thoại di động và email. 

Trang tin “Thanh tra giao thông vận tải” của Bộ Giao thông vận tải đã đăng tin từ tháng 4-2010 với nội dung “Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc in ấn mẫu phôi, biên bản, quyết định xử phạt”. Anh Hoàng Trung (Thái Hà), chủ một doanh nghiệp ngành giao thông vận tải cho rằng: “Cái người dân cần từ cơ quan Nhà nước là việc được cấp các giấy phép, các giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh... qua mạng và được đọc những thông tin chính thống, công khai về việc các trường hợp vi phạm, mức xử phạt đối với từng lĩnh vực để tuyên truyền, răn đe. Chúng tôi không cần những thông tin chuyên ngành tập huấn này khác, bởi vì thông tin đó không có ích đối với những người không liên quan như chúng tôi. Đó chỉ là một cách để cơ quan khoe sự tích cực hoạt động, trong khi hiệu quả còn khiêm tốn”.

Cần tránh nguy cơ tụt hậu

Ghi nhận thực tế cho thấy, một số mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại Việt Nam đang được các địa phương, bộ, ngành triển khai có hiệu quả. Ví dụ như việc triển khai hệ thống chứng thực điện tử, chữ ký số; thực hiện thủ tục hải quan điện tử; đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh qua mạng… Cơ sở hạ tầng đảm bảo cho các mục tiêu này dần hoàn thiện, đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả cao, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các cuộc họp giữa các bộ, ngành, giữa Chính phủ và các địa phương được thực hiện trên môi trường điện tử ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT vừa tiến hành đầu tháng 12, ông Đỗ Trung Tá- Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT thẳng thắn cho biết: “Theo Báo cáo về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 6/11 nước Đông Nam Á. Suốt 10 năm qua, Việt Nam mới vượt được một nước là Indonesia. Trình độ ứng dụng CNTT đã được cải thiện nhưng đang có nguy cơ tụt hậu và cần rất nhiều nỗ lực mới đuổi kịp các nước đứng phía trên trong khu vực”. Bên cạnh đó, mặc dù đội ngũ lao động trong lĩnh vực này khá đông, khoảng 226.000 người, song chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Cũng theo ông Tá, để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT, Việt Nam cần đặt mục tiêu mới cao hơn cả về công nghệ, quy mô và tốc độ trong vòng 10 năm tới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam cần nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, dần thay thế sản phẩm nhập khẩu và tham gia sản xuất phần cứng mang thương hiệu Việt.

Thanh hoàn