Ukraine thiếu khí đốt trầm trọng: Hậu quả đoạn tuyệt quan hệ với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ukraine thiếu khí đốt trầm trọng, sau khi đoạn tuyệt quan hệ với Nga vào năm 2015 và chấm dứt mua khí đốt Nga với giá ưu đãi.

Ukraine thiếu khí đốt vì thiếu tiền

Bắt đầu vào mùa thu năm ngoái, ở Ukraine đã xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng do tình trạng khan hiếm nhiên liệu, đặc biệt dùng để sản xuất điện. Giá khí đốt tăng mạnh có lúc lên đến gần 2000USD/1000m3, cũng như tình trạng thiếu than khiến hơn một nửa số nhà máy nhiệt điện của Ukraine tạm ngừng hoạt động.

Bộ Kinh tế Ukraine ngày 6/1 cũng thông báo rằng, giá khí đốt tự nhiên nhập khẩu trung bình ở Ukraine trong một năm vừa qua đã tăng 5,9 lần và đạt mức 1.184,6 USD/1.000 m3. Với giá khí đốt tăng cao như vậy, Ukraine sẽ tốn rất nhiều tiền chi cho năng lượng.

Mới đây, nguyên Quyền Bộ trưởng Năng lượng nước này là bà Olga Buslavets viết trên trang Facebook cá nhân rằng, nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn khí đốt trong mùa đông năm nay gây ra nguy cơ gián đoạn sản xuất công nghiệp và thiếu hụt cho dân sinh.

Ukraine thiếu khí đốt nghiêm trọng nhưng không còn tiền để mua
Ukraine thiếu khí đốt nghiêm trọng nhưng không còn tiền để mua

Theo bà, trong bối cảnh khát "nhiên liệu xanh", công ty dầu khí quốc gia lớn nhất của Ukraine là Naftogaz có thể hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho nhu cầu dân sinh và công nghiệp, cũng như "trích bớt" khí đốt quá cảnh của Nga.

Theo bà, hiện tại trong các kho chứa ngầm của Ukraine còn khoảng 6,6 tỷ mét khối khí đốt để tiêu thụ trong nước, trong khi mức thâm hụt "nhiên liệu xanh" trong quý đầu tiên ít nhất là 2 tỷ mét khối. Với nhu cầu khí đốt trên dưới 50 tỷ m3 mỗi năm đây là con số quá thấp.

Với khối lượng dự trữ như vậy, Ukraine không thể vượt qua được mùa đông nếu không gia tăng nhập khẩu khí đốt để đáp ứng nhu cầu cao điểm trong mùa sưởi ấm do thời tiết rất lạnh. Tuy nhiên, Naftogaz đang "thâm hụt tài chính sâu sắc, không có tiền để nhập khẩu khí đốt".

Chuyên gia này cảnh báo, nếu không tìm được kinh phí hoặc không có đủ công suất nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (do các nước châu Âu không tăng mua từ Nga để xuất khẩu ngược cho Ukraine), Naftogaz sẽ không thể đảm bảo đủ nguồn nhập khẩu khí đốt để trang trải thiếu hụt hàng ngày.

Chuyên gia dự đoán hành động của Ukraine

Kể từ tháng 11/2015, Kiev đã ngừng mua trực tiếp khí đốt của Nga, thay thế bằng cái gọi là “dòng chảy ngược ảo từ châu Âu”, tức là mua khí đốt Nga bán sang châu Âu được bơm ngược lại từ chính tuyến đường ống trung chuyển của Nga qua lãnh thổ nước này sang châu Âu.

Do đó, về mặt chính thức, Ukraine mua khí đốt từ các công ty châu Âu nhưng trên thực tế là vẫn mua khí đốt của Nga nhưng với giá đắt hơn, bởi chẳng có ai rỗi hơi đàm phán ký hợp đồng khí đốt với Moscow rồi bán lại ngang giá cho Kiev, chứ đừng nói là với giá thấp hơn.

Bà Olga Buslavets nhận xét, trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao như hiện nay, các cơ quan chức năng nước này sẽ phải “tìm kiếm nguồn kinh phí” cho Naftogaz mua nhiên liệu với số tiền từ 2 đến 3 tỷ USD, nhưng điều này là rất khó khăn do không ai có sẵn tiền để cho nước này vay mượn.

Do đó theo bà Buslavets, Kiev sẽ có ba phương án hành động. Thứ nhất, đó là hạn chế hoặc cắt nhu cầu tiêu thụ của các xí nghiệp công nghiệp. Một phương án khác là hạn chế cung cấp khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện và lò hơi, việc này sẽ khiến trong nhà giảm nhiệt độ và không có nước nóng.

Bà cũng chỉ ra một phương án không thể chấp nhận được nhưng “rất có thể xảy ra”, đó là rút bớt khí đốt của Nga từ đường ống trung chuyển, điều chắc chắn sẽ bị Liên bang Nga lấy làm cớ để ngừng việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine và chấm dứt hợp đồng trung chuyển hiện tại với các cơ quan tài chính liên quan, đi kèm với những hậu quả về chính trị và kinh tế.

Trong quá khứ, vào tháng 1/2009, Nga đã cáo buộc Ukraine rút trộm khoảng 25 triệu m3 khí đốt/ngày từ lượng khí đốt trung chuyển qua nước này, vi phạm Hiến chương năng lượng mà Ukraine đã tự nguyện phê chuẩn, vi phạm Tuyên bố chung ngày 1/1/2009, trong đó Ukraine bảo đảm vận chuyển liên tục và an toàn khí đốt của Nga sang châu Âu.