Khủng hoảng khí đốt châu Âu: Nga hàm oan, Mỹ kiếm bộn tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khủng hoảng năng lượng EU, Mỹ mặc kệ đồng minh thiếu khí đốt, bán LNG sang châu Á khiến giá gas ở châu Âu tăng phi mã, rồi quay lại bán khí đốt sang châu Âu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu đang đến hồi đỉnh điểm. Hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5, giá khí đốt giao ngay trung bình theo chỉ số TTF ở châu Âu dao động trong khoảng 250-300 USD/nghìn mét khối, bắt đầu tăng mạnh trong những ngày cuối cùng của mùa hè.

Vào ngày cuối cùng của tháng 6, giá hợp đồng giao sau một ngày đã vượt trên 600 USD và tới đầu tháng 10 đã vượt qua ngưỡng 1000 USD/1000 m3, đến tháng 12 giá này đã tăng gấp đôi.

Đỉnh giá lịch sử trên thị trường kỳ hạn giao sau là 2190,4 USD/một nghìn mét khối được ghi nhận vào ngày 21 tháng 12. Trong toàn bộ lịch sử hoạt động của các trung tâm giao dịch khí đốt kể từ năm 1996 đến nay chưa bao giờ có mức giá tăng cao liên tục như vậy ở châu Âu.

Các chuyên gia gắn liền tình trạng tăng giá với một số yếu tố: Tỷ lệ bơm đầy các kho chứa ngầm ở châu Âu thấp, nguồn cung hạn chế từ các nhà cung cấp lớn.

Ngoài ra, tâm trạng của những người tham gia thị trường còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và tương lai không chắc chắn đối với việc khởi động dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc - 2” (Nord Stream 2) của Nga.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu bộc lộ nhiều vấn đề trong quan hệ Nga-EU-Mỹ
Khủng hoảng năng lượng châu Âu bộc lộ nhiều vấn đề trong quan hệ Nga-EU-Mỹ

Phương Tây còn chỉ trích Nga cố tình tác động làm tăng giá khí đốt ở châu Âu, bằng cách giảm nguồn cung sang EU để tạo tình trạng khan hiếm, nhằm tạo sức ép để Liên minh châu Âu thông qua dự án Nord Stream 2.

Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ rõ rằng, yếu tố được coi là quan trọng nhất là nhu cầu cao về khí tự nhiên hóa lỏng ở châu Á, khiến các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng như Mỹ, Canada, Qatar… tăng cường xuất khẩu sang Lục địa Vàng để kiếm lợi nhuận khủng, khiến nguồn cung cho châu Âu càng giảm đi và khi giá khí đốt ở Lục địa già tăng cao, họ lại chuyển hướng bán sang châu Âu để thu tiền đầy túi.

Cuối tháng 12 vừa qua, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, số lượng tàu chở khí đốt tự nhiên đi từ Mỹ đến châu Âu đã tăng một phần ba vào dịp nghỉ cuối tuần. Trong số này, ít nhất 20 tàu chở khí đốt của Mỹ đã quay đầu từ châu Á về châu Âu hoặc từ Mỹ khởi hành đến châu Âu.

Bloomberg chỉ ra, chỉ tính riêng trong ngày 24/12, số lượng tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khởi hành từ Mỹ là 15 chiếc, ngoài ra, còn có 14 tàu nữa được chuẩn bị sẵn sàng xuất phát hướng đến châu Âu. Ngoài ra, hàng loạt tàu LNG của Mỹ, Canada… được lệnh chuyển hướng hành trình từ châu Á quay về châu Âu.

Trong khi đó, các khách hàng khí đốt dài hạn của Nga ở châu Âu như Đức, Pháp vì các yếu tố chính trị cũng không đặt hàng thêm khí đốt Nga, khiến Gazprom không thể bơm thêm khí đốt sang EU qua các tuyến đường ống có sẵn qua Ukraine (GTS) hay Yamal (qua Belarus) hoặc TurkTtream (Thổ Nhĩ Kỳ).

Như vậy, trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, Nga và kể cả Liên minh châu Âu mới là bên chịu thiệt hại nặng nề nhất, còn chính Mỹ và một vài đồng minh khác như Canada và Qatar là bên hưởng lợi khủng nhờ việc thổi giá ở châu Âu để quay lại bán kiếm lời.