Ukraine định phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Nga?

ANTĐ - Ngày 21-03, dự luật liên quan đến việc Ukraine rút khỏi Hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội) nước này xem xét.

Dự thảo tài liệu được đăng ký vào hôm 21-03, tác giả là các vị dân biểu Valentin Korolyuk, Alexander Chernovolenko, thuộc đảng Batkivshina và Sergey Kaplin của đảng UDAR.

Ngày 22 tháng 2 năm nay, ở Ukraine đã diễn ra sự thay đổi quyền lực mang dấu hiệu của một cuộc đảo chính. Quốc hội tự xưng cách chức Tổng thống Viktor Yanukovych. Một số khu vực ở miền Đông và miền Nam Ukraine cũng như nước cộng hòa tự trị Crimea đã không công nhận tính hợp pháp của chính quyền mới ở Kiev.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thừa hưởng một số lượng lớn các trang bị khí tài hiện đại từ Liên Xô. Bên cạnh đó, rất nhiều phòng thiết kế, nhà máy sản xuất vũ khí lớn của Liên Xô nằm trong lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, họ còn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Cụ thể khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm giữ 220 tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong đó có 130 ICBM kiểu cơ động R-36 (NATO gọi là SS-18 Satan, tầm bắn 16.000km), 46 ICBM lắp đặt trên tàu hỏa RT-23 Molodets (NATO gọi là SS-24 Scalpel, tầm bắn 10.000km), 25 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 19 chiếc Tu-160, 1.080 tên lửa hành trình tầm xa cùng 1.900 đầu đạn hạt nhân.

Ukraine gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1994. Sau khi ký kết Bản ghi nhớ Budapest với Mỹ, Anh và Nga, Ukraine đã chuyển toàn bộ số vũ khí này về Nga để tiêu hủy. Hành động này giúp Ukraine giành được thiện cảm từ phía Mỹ và mở đường cho những sự hỗ trợ từ WB, IMF và NATO. Ngoài ra, việc bán lại các nguyên liệu hạt nhân cũng đem lại một nguồn thu đáng kể.

Ukraine định phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Nga? ảnh 1

Ukraine hiện đang nắm giữ 46 ICBM lắp đặt trên tàu hỏa RT-23 Molodets


Hiện nay, trong bối cảnh Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, nhiều chính khách cho là Ukraine nên tái phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Nga. Tuy nhiên ý tưởng này còn xa mới có thể trở thành hiện thực.

Ukraine hiện có một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ thời Liên Xô, tuy nhiên, họ lại thiếu các nguyên liệu hạt nhân cần thiết. Những thanh nhiên liệu hạt nhân cuối cùng đã được mang ra khỏi Ukraine vào tháng 3-2012.

Hiện nay, Ukraine đang vận hành một số lò phản ứng hạt nhân dân sự, và có sẵn nguồn uranium tự nhiên, nhưng họ cũng thiếu các cơ sở làm giàu nguyên liệu hạt nhân. Trên lý thuyết họ có thể tự xây dựng các cơ sở này, nhưng sẽ mất nhiều thời gian, đồng thời cả Nga và phương Tây sẽ không để điều này xảy ra.

Nga chắc chắn sẽ cảm thấy bị đe dọa trước hành động trên, còn Mỹ hiện nay đang có một tổng thống xem chính sách chống phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, nếu Whashington chống lưng cho Kiev phát triển vũ khí hạt nhân, Moscow sẽ trả đũa bằng cách cung cấp công nghệ hạt nhân tiên tiến cho Iran, Triều Tiên… Đây là điều mà Mỹ không bao giờ muốn nhìn thấy.

Vì vậy, tham vọng hạt nhân của Ukraine không phải là không thể hiện thực hóa được, nhưng chắc chắn một điều là nó sẽ không được phép xảy ra.